Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

Chính phủ Cụ Hồ ngày xưa quy định về Thỏa ước lao động tập thể như thế nào?

Ngày 12 tháng 3 năm 1947, nghĩa là mới chỉ mới 18 tháng sau ngày Cụ Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, với tư cách là Chủ tịch Chính phủ, Cụ Hồ đã ký ban hành Sắc lệnh số 29 quy định việc thuê mướn lao động mà ngày nay ta gọi là quan hệ lao động. Đọc lại những điều được quy định trong Sắc lệnh 29, ta càng thấy kính phục Cụ và các bậc tiền bối. Giữa bộn bề công việc đối nội và đối ngoại, phải cùng một lúc chống các loại "giặc" là giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt, Cụ Hồ và các đồng chí của Cụ vẫn soạn thảo và ban hành một Sắc lệnh mà ngày nay chúng ta khi đọc lại vẫn cảm nhận được những giá trị mang tính thời đại của Sắc lệnh này.

Nhân dịp Quốc Hội đang thảo luận dự thảo Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn sửa đổi, chúng ta hãy cùng nhau đọc lại Sắc lệnh 29 đế suy ngẫm.

Sắc lệnh 29 có 8 chương, 187 điều. Mỗi chương lại chia thành các tiết. Hôm nay, chúng ta hãy cùng nhau đọc và ngẫm về Tiết thứ ba của Chương ba trong Sắc lệnh với tên gọi là "Nói về Tập hợp khế ước". Tiết này của Sắc lệnh 29 nếu phiên ra thì tôi nghĩ là tương đương với Chương V của Bộ Luật lao động về Thỏa ước lao động tập thể đấy. Ngày xưa các cụ không gọi "thỏa ước lao động tập thể" mà gọi là "tập hợp khế ước".


Trước hết, nói về định nghĩa thì điều 37 của Sắc lệnh định nghĩa "tập hợp khế ước" như sau: "Tập hợp khế ước là những khế ước lập ra để ấn định những quy tắc làm việc và tiền lương chung cho từng nghề, từng xí nghiệp hay từng địa phương, do sự thoả thuận của chủ hay đại biểu chủ và công nhân hay đại biểu công nhân". Các bạn để ý là tuy lời văn của điều này rất ngắn gọn, nhưng chúng ta có thể thấy là ngay từ ngày đó, các Cụ tiền bối đã quy định thỏa ước cấp doanh nghiệp ("từng xí nghiệp"), thỏa ước theo nghề ("chung cho từng nghề") và cho địa phương ("hay từng địa phương"). Bộ luật Lao động của ta hiện nay mới chỉ đề cập đến thỏa ước cấp doanh nghiệp và cấp ngành.

Về chủ thể ký tập hợp khế ước, điều 38 của Sắc lệnh quy định:"Đại biểu công đoàn không cần có giấy uỷ quyền riêng của đoàn viên cũng có thể thay mặt họ mà ký tập hợp khế ước. Nếu không có công đoàn, thì đại biểu công nhân phải có giấy uỷ quyền rõ ràng của những người mình thay mặt, mới có thể ký tập hợp khế ước được. Đại biểu chủ cũng phải có giấy uỷ quyền của những người chủ mà mình thay mặt mới ký tập hợp khế ước được". Như vậy là Sắc lệnh đã quy định và phân biệt rất rõ tình huống ký thỏa ước khi có và khi không có công đoàn. Khi đã có tổ chức công đoàn thì công đoàn nghiễm nhiên là chủ thể đại diện cho tập thể người lao động để ký tập hợp khế ước. Còn nơi nào không có công đoàn thì chủ thể là "đại biểu công nhân" được sự ủy quyền rõ ràng của những người mà mình thay mặt ký tập hợp khế ước. Tương tự về phía chủ sử dụng lao động, người ký thay mặt chủ phải có giấy ủy quyền của chủ thì mới đủ tư cách ký. Quy định như vậy là rất chặt chẽ.

Về việc đăng ký tập hợp khế ước, điều 39 của Sắc lệnh quy định: "Phải đưa nộp 2 bản chính tập hợp khế ước đã ký: một bản tại phòng lục sự toà án tỉnh, một bản tại Ty Lao động tỉnh, ở tại tỉnh mà hai bên đã ký kết. Phòng lục sự sẽ phát biên lai. Hai mươi bốn giờ sau ngày phòng lục sự đã nhận được bản chính, tập hợp khế ước sẽ có hiệu lực". Điều này có nghĩa là cả cơ quan tư pháp và hành pháp đều có lưu giữ tập hợp khế ước này để làm căn cứ quản lý và phán xử khi xảy ra tranh chấp liên quan tới tập hợp khế ước. Luật pháp hiện hành của ta hiện nay chỉ quy định đăng ký thỏa ước tại cơ quan quản lý nhà nước về lao động (hành pháp) chứ không quy định phải đăng ký ở tòa án. Có lẽ ngày xưa các Cụ coi trọng ngành tư pháp và sự nghiêm minh của việc phán xử của tòa án đối với các tranh chấp hơn chăng?

Về thời hạn có hiệu lực của tập hợp khế ước, điều 41 của Sắc lệnh quy định rất hay là "Thời hạn này không bao giờ được quá 3 năm", nhưng lại quy định thêm thế này: "Tập hợp khế ước nào đã hết hạn mà chủ và công nhân chưa thủ tiêu, hay sửa chữa, thì vẫn tiếp tục thi hành sáu tháng sau. Hết hạn này, tập hợp kế ước sẽ coi như là một tập hợp khế ước không có định hạn". Đây là điểm khác với luật hiện nay. Điều 51 của Bộ luật Lao động hiện nay quy định là "Nếu quá ba tháng, kể từ ngày thỏa ước tập thể hết hạn mà thương lượng không đi đến kết quả thì thỏa ước tập thể đương nhiên hết hiệu lực".

Về đối tượng tham gia tập hợp khế ước, thì ngoài các đối tượng đã nêu ở điều 38, tức là những người tham gia ngay từ đầu tập hợp khế ước thì điều 43 của Sắc lệnh lại mở cho những người muốn tham gia bổ sung vào một tập hợp khế ước đã có trước. Sắc lệnh quy định: "Công đoàn, đại biểu có giấy uỷ quyền của chủ hay công nhân nếu muốn dự vào một tập hợp khế ước nào đang thi hành thì cứ khai ý muốn ấy tại Phòng Lục sự Toà án đã nhận bản chính của tập hợp khế ước đó. Tập hợp khế ước này sẽ có hiệu lực đối với công đoàn, các chủ hay công nhân mà đại biểu đã xin gia nhập, kể từ hôm sau ngày phòng lục sự nhận được giấy khai.". Đây là điều rất hay được quy định tại luật quan hệ lao động của nhiều nước, nhưng chưa được quy định trong luật của Việt Nam. Quy định như luật của Việt Nam hiện nay thì chỉ doanh nghiệp nào có thỏa ước (cũng đồng nghĩa với có công đoàn cơ sở) thì người chủ và thợ ở doanh nghiệp đó mới tham gia vào thỏa ước. Còn như ở Sắc lệnh 29 cũng như thông lệ quốc tế thì lại không cần. Luật có quy định như vậy thì mới có chuyện là ở Pháp hiện nay, tỷ lệ tham gia công đoàn của người lao động làm công chỉ có dưới 8% (thuộc tốp thấp trên thế giới), thế nhưng tỷ lệ tham gia thỏa ước lao động tập thể lại là 92% - thuộc loại cao nhất thế giới. Ở bên Mỹ tôi thấy cũng vậy, loại này có một thuật ngữ riêng để chỉ là "Me Too", tương đương tiếng Việt mình là "Tôi cũng vậy". Điều đó có nghĩa là: tôi cũng đồng ý tự nguyện tham gia thỏa ước đó (tức một thỏa ước nào đó đã được ký trước đó) và như vậy là các điều khoản về hợp đồng lao động của người lao động đó sẽ được điều chỉnh bởi một bản thỏa ước đang có hiệu lực rồi (đỡ phải đi thương lượng lại, đỡ quá nhỉ!).

Xin có đôi lời bình luận về Sắc lệnh 29 của Cụ Hồ năm xưa để suy ngẫm khi thế hệ con cháu của Cụ đang nghiên cứu sửa đổi Bộ luật Lao động ngày hôm nay. 

Nguyễn Mạnh Cường
cuong.qhld@gmail.com
------------------------
@ copyright 2011
Mọi sự trích dẫn hoặc đăng tải lại đề nghị ghi rõ nguồn

1 nhận xét:

  1. Bài viết của Thầy đã cung cấp những kiến thức rất hay và bổ ích. Em cảm ơn Thầy !

    Trả lờiXóa