Thứ Hai, 16 tháng 7, 2012

Khi nào thì đình công tự phát dễ xảy ra?


Tôi không muốn dùng từ "nguyên nhân" xảy ra đình công. Vì sao? Vì nếu mình dùng từ nguyên nhân thì theo mối quan hệ biện chứng nhân - quả thì có nghĩa là nguyên nhân đó ắt sẽ dẫn đến kết quả là đình công.

Ở đây tôi chỉ nói là "khi nào thì đình công tự phát dễ xảy ra" để nói lên cái nguy cơ hay cái tiềm năng có thể xảy ra đình công thôi. Còn nó có xảy ra hay không thì lại tùy thuộc vào việc những yếu tố này sẽ được kích hoạt thành hành động đình công hay là nó sẽ được hóa giải để đình công không xảy ra.

Theo tôi, có 5 yếu tố đáng lưu ý sau:

-         Thứ nhất là yếu tố tập trung của lao động, nhất là lao động giản đơn, có tay nghề thấp. Khi những lao động này làm cùng với nhau, ở cùng với nhau thì những sự vất vả, bức xúc rất dễ lây lan và cộng hưởng.

-         Thứ hai là việc xuất hiện một sự bức xúc hay kỳ vọng mang tính tập thể. Khi tôi nói "bức xúc tập thể" là để chỉ việc NLĐ cho rằng doanh nghiệp có biểu hiện vi phạm quyền lợi của NLĐ. Khi tôi nói "kỳ vọng tập thể" là để chỉ về một kỳ vọng nào đó về quyền lợi mà họ nghĩ rằng người sử dụng lao động có khả năng trả cho họ cao hơn (tôi đã đề cập đến yếu tố này ở post trước).

-         Thứ ba là việc kênh đối thoại hay thương lượng không tồn tại hoặc tồn tại nhưng thất bại trong việc giải quyết bức xúc hay kỳ vọng trên.

-         Thứ tư là xuất hiện sự kỳ vọng vào sự thành công của hành động đình công. Ở đây cần phân biệt hai kỳ vọng khác nhau. Ở bên trên tôi đề cập đến kỳ vọng về một mức trả cao hơn từ người sử dụng lao động. Còn ở đây tôi nói về kỳ vọng thành công của hành động đình công. Ví dụ như người lao động thấy hễ cứ đình công là sẽ có người đến bênh vực mình để ép chủ sử dụng lao động thì cái kỳ vọng vào thành công của hành động sẽ cao hơn nhiều. Hay là người ta thấy NLĐ doanh nghiệp bên cạnh đình công một cái là được tăng lương ngay thì họ nghĩ chắc mình mà đình công thì cũng sẽ được chủ sử dụng lao động đáp ứng ngay yêu sách. Cái kỳ vọng này khác với kỳ vọng trên các bạn nhé. Ví dụ cái kỳ vọng trên là thế này: họ đang được trả lương 2 triệu một tháng, nay họ kỳ vọng là nếu đình công thì lương của họ sẽ được nâng lên thành 2,2 triệu một tháng. Tôi phải nói kỹ cái này vì đôi lần khi tôi nói cái này cứ thấy người nghe nhầm hai cái kỳ vọng này với nhau.

-         Thứ năm là phải xuất hiện yếu tố lãnh đạo và tổ chức. Đình công là một hành động mang tính tập thể nên nếu không có người đứng ra tổ chức và lãnh đạo thì hành động này sẽ không xảy ra.

Tôi tạm dừng bài này ở đây để bạn nào đọc bài này mà quan tâm tiếp thì hãy thử tự làm homework:

-         Nếu bạn là chủ sử dụng lao động thì bạn làm gì để ngăn ngừa đình công?
-         Còn nếu bạn là cơ quan nhà nước thì bạn sẽ làm gì để ngăn ngừa đình công?

Cứ nhìn vào 5 cái yếu tố bên trên thì lời giải không khó một tý nào cả. Còn nếu cứ nói chung chung là phải tăng cường thanh kiểm tra doanh nghiệp, rồi thực hiện luật pháp này nọ thì có lẽ nó cũng khơi khơi được một tý thôi.

Một điều thú vị tôi quan sát được là khá nhiều chủ doanh nghiệp nắm vững được những yếu tố này và "xuất vài chiêu" là mọi thứ cứ im de, không thấy đình công đình kiếc gì cả, mặc dù điều kiện lao động và quyền lợi của người lao động ở doanh nghiệp đó kém hơn những doanh nghiệp có đình công.

Thôi để mọi người suy nghĩ và làm homework đi đã.


Nguyễn Mạnh Cường
cuong.qhld@gmail.com
------------------------
@ copyright 2012
Mọi sự trích dẫn hoặc đăng tải lại đề nghị ghi rõ nguồn

5 nhận xét:

  1. Theo tôi:
    - Nếu là chủ sử dụng lao động: tôi sẽ áp chiến thuật 1 là chia để trị (giống kiểu chơi cờ của Kasparov ấy mà); về lâu dài sử dụng chiến lược "mua chuộc" và/hoặc "thay máu" đại diện cho tập thể NLĐ (ở đây chắc là CĐ); có thể thêm 1 biện pháp nữa là sử dụng một số LĐ làm tay trong cho mình nhằm thu thập thông tin càng nhanh càng tốt, kịp thời có phương án xử lý...Ngoài ra chắc phải tính kỹ cả khâu đặt nhà xưởng, tuyển dụng và sắp xếp các tổ, nhóm công nhân nữa...
    - Nếu là cơ quan QLNN: mong muốn của tôi trên địa bàn là: "KHÔNG MUỐN CÓ ĐÌNH CÔNG XẢY RA" do đó hành động thường xuyên có lẽ là phối hợp với 1 vài đơn vị trên địa bàn kiểm tra khu nhà ở, những nơi tụ tập đông NLĐ, ngoài ra có thể sử dụng nhiều kênh để "tuyên truyền, giáo dục" NLĐ cũng như đại diện của họ.
    Tạm thời mới nghĩ ra thế ạ!

    Ngồi hóng thêm thông tin từ các bác khác ạ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. - Hành động của người sử dụng lao động có thể là khác nhau, nhưng đều sẽ hướng tới là đạt được lợi nhuận cao. Không nên hiểu lợi nhuận cao đồng nghĩa với bóc lột. Cách đạt được lợi nhuận cao như thế nào thì là chiến lược của mỗi doanh nghiệp. Có người thì coi phát triển bền vững của doanh nghiệp là cách kiếm lợi nhuận tốt nhất, nhưng cũng có doanh nghiệp coi chộp giựt ăn xổi là tốt nhất. Không nên đánh đồng tất cả làm một. Vì vậy cũng có doanh nghiệp chọn con đường đối thoại, thương lượng để phát triển bền vững, cũng có doanh nghiệp chọn cách ngược lại. Là người bên ngoài thì khó có thể can thiệp vào cách đi của doanh nghiệp nếu như họ không vi phạm pháp luật

      Xóa
    2. Vâng, hôm trước trả lời xong e cũng chợt nhận ra là mình hơi bị cực đoan, phiến diện. Nhưng tìm mãi không thấy có phần edit ở đâu :)

      Đúng là không thể đánh đồng các doanh nghiệp làm 1 được, phải có cách nhìn khách quan và toàn diện. Hi vọng sẽ nhận được nhiều ý kiến của các bạn khác...

      Xóa
  2. Trong các yếu tố được nêu ra, yếu tố thứ nhất, thứ hai, thứ ba và thứ năm đều là cơ sở nảy sinh mâu thuẫn, có thể dẫn đến tranh chấp, và sau đó là đình công nói chung, chứ không chỉ là đình công tự phát.

    Trả lờiXóa
  3. Bài viết hay và quá đúng.

    Trả lờiXóa