Thứ Hai, 10 tháng 10, 2011

Hai nhóm "nằm ngoài vùng phủ sóng" đối với chính sách tiền lương chung

Trong bài "Bố cục "Bản đồ tiền lương" của Việt Nam" tôi có chia toàn bộ những người đang hưởng lương và hưởng những khoản có tính chất lương trong xã hội hiện nay thành 6 nhóm và cũng nêu lên 5 câu hỏi để chúng ta suy nghĩ và bàn tiếp..

Câu hỏi đầu tiên tôi nêu lên là khi nói đến câu chuyện tiền lương cao - thấp là ta đang nói đến nhóm nào vậy hay là nói tất tần tật mọi đối tượng? Tôi cho rằng nếu mà nói tất tần tật mọi đối tượng thì câu chuyện sẽ rẽ sang ngả khác mất rồi và khi đó chúng ta sẽ phải nói tới vấn đề tiền lương - thu nhập trong mối liên hệ với chính sách an sinh xã hội và chính sách tiền tệ - tài chính quốc gia chứ không thể nói riêng rẽ. Tôi e rằng nếu câu chuyện đi theo ngả này thì rất dễ chúng ra sẽ một lần nữa được nghe lại câu chuyện "Giá - Lương - Tiền" của đợt cải cách năm 1985 mất.

Bởi vậy, tôi vẫn nghĩ rằng khi nói tới vấn đề tiền lương và thu nhập có tính chất giống lương thì nhất thiêt chúng ta phải nói theo nhóm mới chính xác. Trng số sáu nhóm đã được chia thì hôm nay tôi đề cập trước đến hai nhóm mà tôi cho là "nằm ngoài vùng phủ sóng" của chính sách tiền lương quốc gia nói chung, đó là nhóm lao động làm thuê trong khu vực không chính thức (nhóm thứ năm) và nhóm hưởng lương cao hơn hẳn mức lương trung bình của xã hội (nhóm thứ sáu).

1. Lao động làm thuê trong khu vực kinh tế không chính thức - những "phần tử tự do" trong thị trường lao động 

Hoạt động thuê mướn lao động trong khu vực phi chính thức là tương đối tự do, linh hoạt và vô cùng đa dạng. Về thời gian thuê thì có thể từ thuê theo năm, theo tháng, đến theo ngày, theo vụ việc. Loại hình công việc cũng đa dạng, có thể làm ở các doanh nghiệp vừa, nhỏ, cực nhỏ, hộ gia đình hoặc thậm chí phi kinh doanh (ví dụ giúp việc gia đình). Tay nghề thì phổ biến là tay nghề thấp hoặc chưa có nghề, vào làm rồi vừa làm vừa học, hoặc những nghề đơn giản không cần đào tạo như bốc vác, rửa bát, dọn dẹp, giúp việc gia đình. Hình thức hợp đồng thì chủ yếu là hợp đồng miệng. Việc giao kết hợp đồng lao động ở khu vực này cũng rất tự do - tự do cả khi bắt đầu thuê mướn và tự do trong việc kết thúc quan hệ lao động. Quan hệ lao động thì gần như 100% là quan hệ lao động cá nhân (hoặc cùng lắm là tập hợp của các cá nhân) nên hầu như không có công đoàn, thỏa ước hay các hình thức tương tác của quan hệ lao động tập thể. Các chế độ người lao động đươc hưởng ở khu vực này thì chủ yếu chỉ có tiền lương (tiền công), ít khi bao gồm cả bảo hiểm xã hội hay các khoảm phúc lợi khác Mức tiền công ở nhóm này cuối cùng vẫn là do hai bên "tự xử" (tức tự xử sự).

Với tất cả những đặc điểm trên thì phải một thời gian dài nữa, nhà nước mới có thể có những chính sách can thiệp hoặc điều chỉnh tiền lương, tiền công đối với nhóm này. Trước mắt, nhà nước chỉ có thể có những chính sách cố gắng bảo vệ để làm sao những lao động trong khu vực này không bị bóc lột, lạm dụng chứ chưa thể áp dụng những ý tưởng và mục đích tốt đẹp của chính sách tiền lương tối thiểu hay những chính sách tiền lương, tiền công khác vào khu vực này, mặc dù những người lao động làm việc ở khu vực này có thể thuộc nhóm yếu thế nhất trên thị trường lao động. 

2. Lao động hưởng lương cao - tự thoát ly khỏi chính sách tiền lương chung?

Lao động hưởng lương cao thường là những đối tượng "biết ăn biết nói", "biết mình biết người" trên thị trường lao động nên tất cả các nội dung từ yêu cầu công việc, điều kiện làm việc cho đến các chế độ lương bổng, bảo hiểm, phúc lợi và các chế độ khác hầu như đều dựa trên kết quả đàm phán, thỏa thuận giữa người thuê lao động và người lao động làm thuê. Do mức tiền lương cao hơn hẳn mức tiền lương trung bình của xã hội nên lương tối thiểu hầu như không còn ý nghĩa nhiều trong việc xác định tiền lương của đối tượng này.

Liên quan tới thu nhập của nhóm này thì chính sách điều chỉnh quan trọng nhất của nhà nước không phải là chính sách tiền lương mà là chính sách về thuế thu nhập cá nhân và các chế độ bảo hiểm bắt buộc có liên quan tới tiền lương, thu nhập.

3. Một số điều rút ra từ hai nhóm trên

Mức tiền lương, tiền công của hai nhóm này được xác định trên cơ sở đàm phán, thỏa thuận và tự chịu trách nhiệm giữa người lao động và người sử dụng lao động. Mức tiền lương, tiền công này phản ánh tương đối sát cung - cầu trên thị trường lao động nói chung và cung - cầu đối với từng loại hình lao động, từng địa bàn và thậm chí từng thời điểm nói riêng.

Các chính sách về tiền lương của nhà nước, đặc biệt là tiền lương tối thiểu hầu như không tác động đến hai nhóm này. Tuy nhiên, do vẫn nằm ở trong một thị trường lao động chung có tính liên thông nên thu nhập của hai nhóm này, đặc biệt là của nhóm lao động làm thuê ở khu vực phi chính thức, vẫn là những chỉ báo quan trọng của tiền công trung bình xã hội. Được biết tuy hai nhóm này không áp dụng mức lương tối thiểu của nhà nước công bố, nhưng mỗi khi điều chỉnh lương tối thiểu thì, ngoài các chỉ số khác, các cơ quan nghiên cứu về tiền lương, tiền công vẫn tiến hành điều tra khảo sát tiền công ở khu vực này để tham khảo mức tiền công chung của xã hội.

Vì những đặc điểm nói trên, hai nhóm người lao động này hầu như "nằm ngoài vùng phủ sóng" của chính sách tiền lương chung, và như vậy, câu chuyện về lương cao - thấp có lẽ chỉ còn tập trung vào bốn nhóm còn lại.

Nguyễn Mạnh Cường
cuong.qhld@gmail.com
------------------------
@ copyright 2011
Mọi sự trích dẫn hoặc đăng tải lại đề nghị ghi rõ nguồn

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét