Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

Tiền lương bao nhiều là thấp, bao nhiêu là cao, bao nhiêu là hợp lý?

Tiền lương dường như là một chủ đề muôn thuở khi người ta nói đến việc đi làm, tức là nói đến một quan hệ lao động nào đó. Và khi nói đến tiền lương thì vấn đề muôn thuở cũng chỉ xoay quanh hai chữ "cao" và "thấp". Nếu ta cứ đi sâu vào hai chữ "cao" và "thấp" này thì câu chuyện sẽ không bao giờ có điểm dừng.

Vậy thì câu chuyện nên nói thế nào để còn có thể dừng lại mà làm việc?

Khi đình công, người lao động đưa ra yêu sách đòi tăng lương. Trong trường hợp đó, người ta thường diễn giải là do tiền lương thấp. Nhưng “cao-thấp” là một khái niệm tương đối, thường thì người ta lấy một mức gì đó ra để so sánh. Và chính sự khập khiễng trong so sánh này thường dễ dẫn đến những diễn giải khác nhau.

Ví dụ người lao động đình công đòi lên lương vì giá cả sinh hoạt đã lên cao, làm cho thu nhập thực tế của người công nhân bị thấp đi nếu giữ nguyên mức lương không thay đổi. Như vậy, người lao động cho là lương của họ đang bị trả thấp. Còn người sử dụng lao động lại lấy mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định ra để chứng minh rằng mức lương do doanh nghiệp trả như vậy là cao hơn mức lương tối thiểu một mức nào đó, bởi vậy đòi hỏi của người lao động là vô lý. Cách lý giải của hai bên về lý thuyết nghe đều có lý, nhưng lại rất khác nhau. Chính sự khác nhau về cái “lý” này dẫn đến tranh chấp lao động và đình công.

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

Thế tiến thoái lưỡng nan của quan hệ lao động tại Việt Nam


Vừa rồi, trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Bộ luật Lao động, phần liên quan tới giải quyết tranh chấp lao động tập thể và đình công, tôi đã tưởng tượng ra một kịch bản giả định như sau:
  • Thực hiện chính sách luân chuyển cán bộ, điều các nhà làm luật về lao động tới địa phương để phụ trách vấn đề quan hệ lao động và cho đi giải quyết một vụ đình công xem thế nào, xem họ có thể làm cho đình công xảy ra cũng như giải quyết nó theo đúng trình tự thủ tục mà luật quy định không 
  • Tương tự, điều chuyển những người vốn từ trước tới nay chuyên phụ trách lĩnh vực quan hệ lao động và giải quyết đình công ở địa phương ra Hà Nội làm công tác soạn thảo luật để xem họ sẽ viết phần về quan hệ lao động và giải quyết đình công như thế nào, xem họ có viết được luật theo trình tự mà họ vẫn thường làm trong thực tế không.
Và tôi cũng mường tượng ra kết quả là như thế này:
  • Những người "thực tiễn" sẽ lại viết luật đúng như bây giờ, bởi họ không thể viết khác đi được (nghĩa là sẽ lại viết ra một trình tự thủ tục mà sẽ không có một cuộc đình công nào đi theo).
  • Còn những người "luật học" thì cũng sẽ giải quyết đình công đúng như những gì đang diễn ra trong thực tiễn hiện nay (nghĩa là không theo luật) bởi họ cũng không thể làm khác đi được.