Thứ Tư, 19 tháng 10, 2011

Bằng nhau nhưng liệu có bình đẳng?

Trong sáu nhóm đối tượng hưởng lương và hưởng những chế độ có tính chất lương tôi chia ra trong bài "Bố cục bản đồ tiền lương Việt Nam" thì lương của ba nhóm có liên quan chặt với lương tối thiểu là nhóm công chức, viên chức (nhóm 1), nhóm công nhân làm trong doanh nghiêp tư nhân và FDI (nhóm 2) và nhóm lao động làm trong các doanh nghiệp nhà nước và "nguyên" nhà nước (nhóm 3).

Khi nhà nước điều chỉnh lương tối thiểu thì tiền lương, tiền công của ba nhóm này chịu tác động rõ nhất. Nhưng liệu những tác động đó có giống nhau?

Từ kết cấu tiền lương có vẻ giống nhau...

Nếu xét về cơ cấu tiền lương, tiền công của cả ba nhóm này thì có thể quy về một công thức tính chung đơn giản là gồm 3 cấu phần: cấu phần thứ nhất là tiền lương tối thiểu, cấu phần thứ hai là phần trên lương tối thiểu và phần này cộng với lương tối thiểu trở thành cấu phần mà dân gian hay gọi là "lương cơ bản" hay "phần cứng", và cuối cùng là phần cao hơn lương cơ bản mà người ta thường gọi là "phần mềm".

- Đối với công chức thì không có "phần mềm" mà chỉ gồm hai cấu phần là lương tối thiểu và phần cao hơn lương tối thiểu, được tính toán thông qua hệ số. Tất cả các hệ số tính lương cho công chức đều cao hơn một, vì vậy phần hiệu của hệ số trừ đi 1 và nhân với lương tối thiểu chính là phần cao hơn lương tối thiểu. Nói gọn lại, cả hai cấu phần đều do Nhà nước xác định và với một công thức cho trước, phụ thuộc vào ngạch, bậc và chức vụ của công chức.

- Đối với viên chức ở những đơn vị mà hưởng lương ngân sách 100%, không có khoản thu khác thì kết cấu lương tương tự như lương của công chức. Nhưng đối với những đơn vị có nguồn thu ngoài ngân sách để bổ sung thêm vào lương của viên chức thì công thức tính sẽ hơi khác. Thường thì phần tính theo công thức chung (như của công chức) gọi là phần "cứng" hay "lương cơ bản" và thường lấy làm căn cứ để tính các chế độ bảo hiểm và các khoản thu khác (như công đoàn phí, đảng phí,..). Ngoài ra, phần cao hơn "phần cứng" gọi là "phần mềm" thì về lý thuyết do đơn vị tự chủ (tự quyết định).

- Đối với doanh nghiệp nhà nước và "nguyên nhà nước" thì cơ cấu lương có phần na ná như lương của viên chức ở những đơn vị sự nghiệp có thu, nghĩa là cũng gồm 3 cấu phần như trên: Phần thứ nhất là lương tối thiểu, thứ hai là phần trên lương tối thiểu được tính theo thang bảng lương của nhà nước. Hai phần này hợp thành lương cơ bản để làm cơ sở tính đóng bảo hiểm và các chế độ khác. Còn phần trên lương cơ bản thì do doanh nghiệp quyết định. Các doanh nghiệp "nguyên nhà nước" tuy về lý thuyết không nhất thiết phải áp dụng thang bảng lương của nhà nước để tính toán cấu phần thứ 2, nhưng phần lớn doanh nghiệp "nguyên nhà nước" vẫn dùng thang bảng lương của nhà nước để để tính lương cơ bản làm cơ sở để tính các khoản đóng như nói ở trên. Lý do là khó có thể thuyết phục người lao động cũng như cơ quan bảo hiểm nếu như lại rút phần này xuống.

- Đối với doanh nghiệp tư nhân (bao gồm cả FDI) thì chỉ có phần thứ nhất là do nhà nước quy định, còn phần thứ hai cộng thêm vào để trở thành "lương cơ bản" và sau đó là một loạt các loại "cộng thêm" để hình thành lương thực tế trả cho người lao động lại do doanh nghiệp quyết định. Về lý thuyết quan hệ lao động thì phần trên lương tối thiểu sẽ do người lao động và người sử dụng lao động thương lượng và quyết định, nhưng ở đại đa số các doanh nghiệp tư nhân hiện nay thì phần hai và phần ba là do chủ doanh nghiệp quyết định trên cơ sở nghe ngóng tình hình thị trường lao động và một số yếu tố của bản thân doanh nghiệp.

...đến mức tác động khác nhau

Mới thoạt nhìn thì kết cấu tiền lương ở 4 nhóm trên có vẻ là giống nhau, nghĩa là đều bao gồm lương tối thiểu và phần trên lương tối thiểu. Nhưng sự khác nhau căn bản ở đây lại nằm ở phần trên lương tối thiểu. Trong phần phân tích trên, ta thấy là đối với công chức, viên chức và doanh nghiệp nhà nước thì nhà nước vẫn "nắm" cả hai phần là lương tối thiểu và hệ số hay thang bảng lương để tính ra "phần cứng" trên lương tối thiểu. Đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp lại "nắm" phần cao hơn gọi là "phần mềm". 

Và đây mới là vấn đề cần quan tâm: giả sử nhà nước điều chỉnh lương tối thiểu lên 100 ngàn đồng/tháng thì lúc đó lương của công chức sẽ được tăng một con số là 100 ngàn nhân với hệ số. Giả sử người công chức đang hưởng lương có hệ số là 4 thì lương của người công chức đó được tăng thêm 400 ngàn/tháng. Lương của viên chức và công nhân ở doanh nghiệp nhà nước và "nguyên nhà nước" cũng được tăng theo nguyên tắc tương tự. Nếu tính hệ số trung bình là 2,5 thì mức tăng lương trung bình sẽ là 250 ngàn đồng/tháng. Còn sau khi có sự điều chỉnh mang tính bắt buộc ở "phần cứng" thì "phần mềm" trong kết cấu tiền lương của viên chức và công nhân doanh nghiệp nhà nước có thể có một vài thay đổi tăng - giảm nhỏ.

Còn riêng đối với công nhân doanh nghiệp tư nhân (bao gồm cả FDI) thì khi nhà nước tăng lương tối thiểu lên 100 ngàn thì "phần cứng" tăng không đáng là bao vì hệ số tăng bao nhiêu là do doanh nghiệp quyết định. Về nguyên tắc, doanh nghiệp có thể chỉ tăng lương đúng bằng khoản tăng lương tối thiểu hoặc nhỉnh hơn 1 chút, nghĩa là khoảng 100 ngàn hoặc trên 100 ngàn một chút. Khoảng tăng thêm này chắc chắn là thấp hơn con số 250 ngàn tính ở trên. Còn "phần mềm" còn lại thì hoàn toàn do doanh nghiêp quyết định.

Vấn đề cần suy nghĩ

Qua phân tích cấu phần của tiền lương và quyền quyết đinh đối với từng cấu phần tiền lương của 4 nhóm đối tượng nói trên, có thể rút ra mấy điều cần suy nghĩ sau:
  • Thứ nhất, nếu giữ nguyên việc áp dụng lương tối thiểu để tính lương một cách đại trà như hiện nay, mỗi khi nhà nước tăng lương tối thiểu thì tác động tăng lương tới nhóm công nhân làm việc tai doanh nghiệp tư nhân là ít nhất và tới nhóm công chức, viên chức là nhiều nhất. Vậy thì câu trả lời sẽ là ai hưởng lợi nhiều nhất khi nhà nước điều chỉnh lương tối thiểu (nếu điều chỉnh cùng một mức)?
  • Thứ hai, nếu mức độ tăng từ việc tăng lương tối thiểu là khác nhau như vậy thì liệu có dẫn tới việc doãng khoảng cách tiền lương giữa các nhóm? mà nhóm chịu thiệt nhất là nhóm công nhân khu vực tư nhân.
  • Thứ ba, từ đây  ta mới rút ra một điều: vậy thì nếu toàn bộ kết cầu tiền lương của các nhóm được tính toán như hiện nay thì liệu lương tối thiểu có phải là công cụ hữu hiệu nhất của nhà nước để thực hiện chính sách tiền lương quốc gia đối với tất cả các nhóm. Xin nhấn mạnh ở đây là câu hỏi trên được nêu ra trong bối cảnh là nếu tiền lương tối thiểu được hiểu và được xác định như được phân tích ở bài trước. Còn nếu tiền lương tối thiểu được tách ra hoàn toàn thì câu chuyện nó sẽ khác đi rất nhiều.

Nguyễn Mạnh Cường
cuong.qhld@gmail.com
------------------------
@ copyright 2014
Mọi sự trích dẫn hoặc đăng tải lại đề nghị ghi rõ nguồn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét