Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

Nhóm hưởng từ ngân sách: một phép tính dễ hiểu và ba vấn đề khó hiểu

Một phép tính dễ hiểu

Đối với nhóm công chức, viên chức, cán bộ hưởng lương từ ngân sách (tôi gọi là nhóm thứ nhất) và các đối tượng hưởng những chế độ có tính chất giống lương gồm những người hưởng lương hưu và những người hưởng các chế độ trợ cấp xã hội khác bằng tiền mặt từ nguồn ngân sách (tôi gọi là nhóm thứ tư) thì công thức tính lương và các khoản có tính chất lương thật là đơn giản.

Từ "đơn giản" ở đây có hai nghĩa.

Nghĩa "đơn giản" thứ nhất đó là cách tính đơn giản. Tiền lương thì cứ lấy lương tối thiểu nhân với một hệ số gắn với ngạch bậc và chức danh cụ thể là ra. Đối với người hưởng lương hưu, cơ quan tính lương hưu cũng tính theo một công thức quy định của bảo hiểm xã hội với một sự điều chỉnh nào đó khi lương tối thiểu được điều chỉnh. Mức trợ cấp cho những đối tượng xã hội khác nhau trực tiếp hay gián tiếp cũng được tính toán dựa trên lương tối thiểu. Nói theo ngôn ngữ toán học thì mức hưởng của ba nhóm đối tượng nói trên là ba hàm số với một biến duy nhất là lương tối thiểu. Khi lương tối thiểu thay đổi thì giá trị tuyệt đối của hàm sẽ thay đổi. Lương tối thiểu nghiễm nhiên trở thành một đơn vị tính lương. Theo ngôn ngữ tiền tệ, lương tối thiểu trở thành một cái gì đó na ná như bản vị (nghe hơi lạ và có phần...buồn cười phải không các bạn). Đây là cách tính đơn giản đến mức không thể đơn giản hơn.

Nghĩa "đơn giản" thứ hai ở đây tôi cho là còn quan trọng hơn, đó là cơ chế ra quyết định đơn giản. Người duy nhất có quyền ra quyết định về các mức hưởng cho ba nhóm đối tượng trên là nhà nước.. Cơ chế ra quyết định cũng đơn giản, đó là dựa trên một sự cân nhắc được cho là "có lý" nào đó thì nhà nước sẽ ra quyết định như vậy. Ví dụ như cộng thêm hệ số phụ cấp cho đối tượng là lực lượng vũ trang, cho giáo viên trực tiếp giảng dạy, hay cho cán bộ đoàn thể,..Tóm lại là nhà nước có quyền quyết tất cả, không có sự tham gia của chủ thể khác.

Cách tính như trên ngoài ưu điểm là đơn giản, còn có hai ưu điểm nữa. Một là làm cho những người phụ trách về ngân sách chủ động được trong việc tính toán ngưỡng chịu đựng của ngân sách dành cho việc chi trả. Hai là mang lại một cảm giác công bằng giữa các nhóm trong xã hội, nghĩa là "anh" hưởng lương lên một tý thì "bác" về hưu cũng được lên một chút và mấy đối tượng chính sách cũng thêm được một tẹo. Ai cũng có cớ để hỉ hả, kể cả hỉ hả trong sự chưa hài lòng.

Thế nhưng, chính cái đơn giản, dể hiểu này dẫn đến ba điều phức tạp và khó hiểu sau

Điều khó hiểu thứ nhất: tại sao lại có lương tối thiểu áp dụng cho công chức?

Mục đích của lương tối thiểu là bảo vệ người lao động để họ không bị trả mức lương mà có thể coi là họ bị bóc lột. Điều 1, công ước 131 của Tổ chức lao động quốc tế nói rõ "..hệ thống lương tối thiểu để áp dụng cho mọi nhóm người làm công ăn lương mà những điều kiện sử dụng lao động của họ khiến việc áp dụng cho họ là thích hợp " (nguyên văn tiếng Anh: system of minimum wages which covers all groups of wage earners whose terms of employment are such that coverage would be appropriate). Điều này được hiểu lương tối thiểu là một công cụ pháp luật của nhà nước nhằm bảo vệ người lao động khi tình huống việc làm của họ tiềm ẩn khả năng họ bị người sử dụng lao động bóc lột.

Đối với khu vực công, người sử dụng lao động lại chính là nhà nước, là người nắm trong tay luật pháp, là người có trách nhiệm và quyền lực để đứng ra bảo vệ những người lao động ở khu vực phi nhà nước khỏi bị bóc lột thì tại sao người công chức làm ở khu vực này lại cần đến sự bảo vệ nữa? trong trường hợp này thì lương tối thiểu bảo vệ ai khỏi sự đe dọa bóc lột từ ai? Chính vì vậy, tôi chưa thấy có nước nào mà lại có lương tối thiểu áp dụng cho khu vực công cả. Hơn thế nữa, phương pháp lấy lương tối thiểu đề làm đơn vị tính ra lương của tất cả mọi người thì quả là không có nước nào thật. Bao nhiêu năm nay, tôi đã mang câu hỏi "Ngoài Việt Nam ra, ở trên thế giới có nước nào áp dụng lương tối thiểu trong khu vực công không?"để hỏi các bạn bè gần xa, các chuyên gia trong nước ngoài nước mà vẫn chưa có ai chỉ cho tôi thấy có nước thứ hai ngoài Việt Nam. Theo tôi biết thì trước năm 1993, ngay ở Việt nam cũng không có chuyện lấy lương tối thiểu làm đơn vị để tính lương cho khu vực công như hiện nay. Còn cách tính lương ở khu vực công hiện nay ở Việt Nam nghe đồn là học tập cách của Bungary áp dụng trong cơ chế XHCN ngày xưa?!.

Điều khó hiểu thứ hai: tại sao lương hưu lại được điều chỉnh theo lương tối thiểu?

Theo tôi hiểu thì trong bảo hiểm, nguyên tắc cân bằng thu - chi là nguyên tắc quan trọng nhất và yêu cầu an toàn quỹ là yêu cầu tối thượng. Vậy thì việc hưởng bao nhiêu thì nó phải phụ thuộc vào đóng bao nhiêu và luôn cần lưu ý tới sự an toàn của quỹ chứ! Tiền thu từ bảo hiểm xã hội đâu phải là tiền ngân sách nhà nước và bởi vậy đâu có thể áp dụng cách chi của ngân sách nhà nước vào để chi quỹ bảo hiểm xã hội được. Hiện nay, đã có nhiều tiếng nói cảnh báo từ những người có trách nhiệm về nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội. Nguyên nhân dẫn đến nguy cơ vỡ quỹ thì không phải chỉ có một, nhưng việc gắn mức chi trả BHXH với tiền lương tối thiểu là một cơ chế góp phần làm cho nguy cơ này có thể xảy ra nhanh hơn.

Điều khó hiểu thứ ba: tại sao mức chi cho các chế độ phúc lợi xã hội lại được gắn vào vào lương tối thiểu?

Ở bất cứ quốc gia nào, các khoản trợ cấp xã hội được hiểu là những khoản tiền lấy từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế trong xã hội để bù đắp một phần những khó khăn của đối tượng đó. Trừ những nước thuộc vào hàng phát triển và giàu có nhất thế giới như những nước Bắc Âu (Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch,..) thì những đối tượng hưởng phúc lợi xã hội có thể có cuộc sống tương đối (vì thế các quốc gia này có tên gọi là welfare states - các nhà nước hay quốc gia phúc lợi), còn nói chung đối tượng hưởng trợ cấp hay phúc lợi xã hội ở tất cả các nước đều có mức sống hết sức khiêm tốn. Lý do là khoản phúc lợi này phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng tài chính có được của ngân sách nhà nước. Vậy thì đâu là mối liên hệ giữa lương tối thiểu với những khoản trợ cấp mang tính phúc lợi này? Phải chăng đã có sự nhầm lẫn giữa mức lương tối thiểu và mức sống tối thiểu?

Việc đi sâu phân tích ba điều khó hiểu sẽ dẫn chúng ta tới những phát hiện thú vị khác. Xin hẹn các bạn những bài sau.


Nguyễn Mạnh Cường
cuong.qhld@gmail.com
------------------------
@ copyright 2011
Mọi sự trích dẫn hoặc đăng tải lại đề nghị ghi rõ nguồn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét