Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2011

Hội đồng Lương tối thiểu: Một thiết chế quan trọng trong xác định LTT của Hàn quốc

Hàn quốc là một trong những quốc gia có một quy định rất rõ ràng về lương tối thiểu, bao gồm Luật Lương tối thiểu và thiết chế, cơ chế để thực hiện luật này. Thiết chế quan trọng nhất trong việc xác định lương tối thiểu ở Hàn quốc là Hội đồng Lương tối thiểu. Tại Việt Nam, Quốc Hội cũng đã đưa vào kế hoạch xây dựng luật pháp việc xây dựng Luật Lương tối thiểu. Tôi xin tóm tắt lại một bài viết của Tiến sỹ Jeong Jin Ho thuộc Viện nghiên cứu Lao động Hàn quốc giới thiệu một số điều của Luật Lương tối thiểu và Hội đồng Lương tối thiểu của Hàn quốc để chúng ta cùng nhau tham khảo trong quá trình nghiên cứu xây dựng Luật Tiền lương tối thiểu của Việt Nam.
 NMC


 Vai trò của Hội đồng Lương tối thiểu Hàn quốc

Tại Hàn Quốc, Bộ Lao động và Việc làm là cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực lao động, có trách nhiệm cao nhất trong việc xác định tiền lương tối thiểu. Bộ Lao động và Việc làmlà cơ quan đưa ra quyết định cuối cùng về mức lương tối thiểu dựa trên kết luận của Hội đồng Lương tối thiểu Hàn quốc. 

Hội đồng Lương tối thiểu Hàn quốc là một cơ quan thường trực thực hiện các cuộc trao đổi về tiền lương tối thiểu cũng như các vấn đề khác gắn liền với tiền lương tối thiểu. Hội đồng bao gồm 27 thành viên, trong đó 9 người đại diện cho người lao động, 9 đại diện cho người sử dụng lao động và 9 đại diện cho Chính phủ. Có một ban thư ký hỗ trợ các hoạt động của Hội đồng. Mỗi thành viên có nhiệm kỳ 3 năm và được chỉ định bởi Tổng thống Hàn Quốc theo đề cử của Bộ trưởng Bộ Lao động và Việc làm (Điều 12-1 của Luật tiền lương tối thiểu). Đại diện của người lao động được giới thiệu bởi tổ chức công đoàn và đại diện của người sử dụng được chỉ định bởi Bộ trưởng Bộ Việc làm và Lao động trong số các tổ chức của người sử dụng lao động trên toàn quốc (Điều 12-3 của Luật Tiền lương tối thiểu). Các thành viên đại diện của cơ quan quản lý nhà nước cũng được bổ nhiệm bởi Tổng thống với sự đề cử của Bộ trưởng Lao động và Việc làm từ đội ngũ cán bộ, công chức, giáo sư hoặc các nhà nghiên cứu có hiểu biểu sâu rộng và kinh nghiệm lâu năm về lĩnh vực lao động (Điều 13 của Luật Tiền lương tối thiểu).

Các hoạt động của Hội đồng bao gồm: (1) Trao đổi, xem xét tiền lương tối thiểu; (2) Phân loại doanh nghiệp áp dụng mức tiền lương tối thiểu; (3) Nghiên cứu và đề xuất triển khai kế hoạch tiền lương tối thiểu; (4) Trao đổi các vấn đề quan trọng liên quan tới tiền lương tối thiểu và khuyến nghị với Bộ trưởng Lao động và Việc làm.

Kể từ năm 1988, Bộ Lao động và Việc làm chưa phải lần nào xem xét lại đề xuất của Hội đồng Lương tối thiểu. Vì vậy, có thể nói rằng Hội đồng Lương tối thiểu Hàn quốc trên thực tế chính là cơ quan có vai trò quyết định trong việc xác định tiền lương tối thiểu.

Quá trình xác định tiền lương tối thiểu 

Bộ trưởng Bộ Lao động và Việc làm đưa ra yêu cầu đối với Hội đồng Lương tối thiểu vào 31/3 hàng năm để bắt đầu xem xét tiền lương tối thiểu áp dụng cho năm tới. (Điều 7 của Luật Tiền lương tối thiểu). Sau khi nhận được yêu cầu của Bộ trưởng, Hội đồng Lương tối thiểu triệu tập toàn thể thành viên để trao đổi các vấn đề mức sống của người lao động và ước tính tiền lương tối thiểu. Các chuyên gia về mức sống trao đổi về phương pháp tính và kết quả, trong khi đó các chuyên gia về mức lương xem xét báo cáo thường niên về tiền lương và điệu kiện làm việc và các phương án tiền lương tối thiểu (Điều 19 của Luật Tiền lương tối thiểu).

Các cơ quan đơn vị khác nhau thu thập, phân tích và cung cấp các thông tin cần thiết cho việc xem xét và quyết định tiền lương tối thiểu. Bộ Lao động và Việc làm và Cơ quan thống kê quốc gia thu thập số liệu về tiền lương, việc làm và các mức sống thông qua các cuộc điều tra. Bộ Lao động và Việc làm và Hội đồng Lương tối thiểu phân tích thực trạng của các chỉ số tiền lương tối thiểu và hỗ trợ các nghiên cứu về tác động của các chính sách bao gồm những thay đổi đối với chương trình tiền lương tối thiểu.

Hội đồng phải hoàn thành quá trình trao đổi, xem xét và đệ trình mức tiền lương tối thiểu lên Bộ trưởng Bộ Lao động và Việc làm trong vòng 90 ngày sau khi nhận được yêu cầu từ Bộ trưởng (Điều 8-2, Luật Tiền lương tối thiểu). Bộ trưởng Bộ Lao động và Việc làm công bố mức tiền lương tối thiểu dự kiến trên cơ sở đề xuất của Hội đồng. Đại diện người lao động và người sử dụng lao động có thể gửi những ý kiến phản đối tới Bộ trưởng trong vòng 10 ngày công bố được ban hành, và mức tiền lương tối thiểu cuối cùng được xác định vào ngày 5 tháng 8 nếu không có sự phản đối nào. Sau khi được xác định, mức tiền lương tối thiểu sẽ có hiệu lực vào 1/1 của năm tới (Điều 9 và 10 của Luật Tiền lương tối thiểu). 

Theo quy định hiện hành thì tiền lương tối thiểu sẽ được xác định thông qua việc xem xét mức sống của người lao động, mức tiền lương của lao động cùng loại, năng suất lao động và tỷ lệ phân phối thu nhập (Điều 4-1 của Luật Tiền lương tối thiểu). Tỷ lệ phân phối thu nhập được bổ sung thành một yếu tố xác định kể từ năm 2008, và nó được sử dụng như một chỉ số đánh giá tác động của tiền lương tối thiểu đến việc cải thiện chênh lệch về tiền lương và phân phối thu nhập. Những yếu tố như lạm phát, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ tăng trưởng việc làm và tỷ lệ phân phối thu nhập cũng được đưa vào xem xét.

Phạm vi áp dụng và các yếu tố của lương tối thiểu

Theo quy định hiện hành thì Luật tiền lương tối thiểu sẽ áp dụng đối với tất các các doanh nghiệp có đủ điều kiện thuê mướn lao động (Điều 3-1, Luật Tiền lương tối thiểu), áp dụng cho tất cả các loại hình lao động trong các doanh nghiệp mà được định nghĩa theo Luật Tiêu chuẩn lao động, bao gồm cả lao động thường xuyên và lao động thời vụ, bán thời gian và lao động nước ngoài.

Như các nước khác có luật tiền lương tối thiểu, tiền lương tối thiểu không bao gồm các yếu tố lương. Chẳng hạn, các yếu tố tiền lương không nằm trong các yếu tố tính lương tối thiểu như: phụ cấp, tiền nghỉ phép năm, tiền thưởng; tiền công làm thêm giờ; các khoản trợ cấp.. Hiện nay có bất đồng quan điểm giữa người lao động và sử dụng lao động về phạm vi các yếu tố tiền lương được tính đến. Người sử dụng lao động cho rằng tất cả các yếu tố tiền lương ngoại trừ tiền lương làm thêm giờ nên được tính đến, trong khi người lao động muốn giữ theo phương pháp hiện nay. Điều này cũng liên quan mật thiết tới bản chất phức tạp của cấu trúc tiền lương tại Hàn Quốc.

(Bài được viết dựa trên báo cáo của Tiến sỹ Jeong Jin Ho thuộc Viện nghiên cứu Lao động Hàn quốc)

Nguyễn Mạnh Cường
cuong.qhld@gmail.com
------------------------
@ copyright 2011
Mọi sự trích dẫn hoặc đăng tải lại đề nghị ghi rõ nguồn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét