Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

Bố cục "Bản đồ tiền lương" của Việt Nam

Khi nói tới chủ đề tiền lương, tiền công thì có hai thứ làm cho người ta quan tâm:

- Thứ nhất là con số, tức là mức lương (hay mức lương +++ các khoản khác) là bao nhiêu;
- Thứ hai là làm thế nào để có được con số đó, tức là cơ chế xác định, cơ sở và cách tính toán để ra được con số đó.

Trong hai vấn đề trên thì người hưởng lương chủ yếu quan tâm tới con số cuối cùng họ được hưởng là bao nhiêu, còn việc con số đó được tính toán như thế nào đối với họ không quan trọng lắm. Ngược lại, đối với những người nghiên cứu về tiền lương hay làm về tiền lương ở mọi cấp (từ cấp quốc gia cho tới cấp doanh nghiệp) thì điều đầu tiên phải quan tâm là việc tính toán, hình thành nên con số như thế nào. Bởi vậy, câu chuyện chúng ta nói tới ở đây là về cách tính (hay cơ chế xác định) lương.

Nếu căn cứ vào con số (tức mức tiền lương, tiền công hay các chế độ có tính chất giống lương - từ đây trở đi tôi gọi tắt là tiền lương) thì ta có thể chia toàn bộ những người đang hưởng lương và/hoặc hưởng các chế độ giống lương trong xã hội Việt Nam hiện nay thành ba nhóm, gồm: nhóm có thu nhập cao, nhóm có thu nhập trung bình và nhóm có thu nhập thấp. Cách chia này không thể giúp ta tìm ra được cách tính lương, mà chỉ giúp ta xác định được ai giàu, ai nghèo và ai thường thường bậc trung trong xã hội. Bởi vậy, nếu chúng ta vẽ một bản đồ tiền lương căn cứ theo mức độ thu nhập như vậy thì ta sẽ thu được một cái gì đó na ná như bản đồ địa hình thôi,. Trên bản đồ loại đó, ta có thể thấy các chỗ cao - thấp khác nhau và thấy chỗ nào cũng phủ một màu xanh nhờ nhờ của các cây cỏ nhưng lại không thấy cây nào cả. Loại bản đồ thu nhập này thì chắc mấy bác làm về chính sách xã hội thì thích lắm đây, tha hồ mà phân tích khoảng cách giàu nghèo, rồi xây dựng chuẩn nọ chuẩn kia nữa...nhưng lại không giúp ta được nhiều lắm trong phân tích chính sách tiền lương.

Còn để phân tích về chính sách tiền lương thì tôi lại muốn vẽ một bản đồ tiền lương căn cứ theo cơ chế xác định lương. (Tôi phải xin các bác chuyên gia về tiền lương đại xá cho việc đưa ra một khái niệm mới là "Bản đồ tiền lương". Tôi vốn không phải là "kỹ sư tiền lương" mà là kỹ sư trắc địa mỏ nên cứ phải vẽ bản đồ ra thì mới phân tích được - phân tích theo kiểu dân gian thôi). Việc vẽ bản đồ tiền lương loại này tôi muốn ví như việc vẽ bản đồ thảm thực vật, trong đó chia theo các nhóm cây. Khi đó, căn cứ theo tính chất sinh học của loại cây thì ta mới có cách chăm sóc thích hợp cho từng nhóm cây (ví dụ như lúc đó người ta sẽ không dùng phân NPK-S vừa để bón thúc cho lúa lại vừa tiện tay bón luôn vào cả gốc mấy cây bạch đàn nữa). Việc phân loại các nhóm cây không chỉ giúp ta có cách ứng xử thích hơp với từng loại cây mà còn giúp cho sự phát triển hài hòa của toàn bộ thảm thực vật - tức toàn bộ hệ thống tiền lương quốc gia. Theo cách tư duy như vậy thì căn cứ vào nguồn trả lương, cơ sở xác định lương và cách tính toán lương ta có thể chia toàn bộ những người đang hưởng lương và các chế độ có tính chất giống lương ở Việt Nam hiện nay thành sáu nhóm. 

Sáu nhóm gồm:
  • Nhóm thứ nhất là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Đối với nhóm này, nguồn trả lương là từ ngân sách nhà nước. Cơ sở để tính là lương tối thiểu và hệ số lương do nhà nước quy định. Cách tính là nhân lương tối thiểu với hệ số. Tuy kết cấu tiền lương và cách tính cơ bản là giống nhau, nhưng khi đi vào chi tiết thì có sự khác nhau một cách tương đối giữa các đối tượng là lực lượng vũ trang, là công chức, là cán bộ, là viên chức. Trong công chức, viên chức lại có một số nhóm có chế độ đặc biệt hơn như viên chức trong ngành y, ngành giáo dục thì họ được hưởng thêm một hệ số cao hơn,..Nhưng tôi cho rằng việc phân chia chi tiết hơn thành một số nhóm đặc thù không quan trọng, nó chỉ đưa đến những con số cao - thấp khác nhau đôi chút nhưng không làm thay đổi nguyên tắc tính nên tôi không đi sâu chi tiết.
  • Nhóm thứ hai công nhân làm trong khu vực doanh nghiệp tư nhân (bao gồm cả doanh nghiệp FDI) đang hưởng mức lương xấp xỉ mức lương trung bình thấp của xã hội. Đối với nhóm này, nguồn trả lương là từ chủ doanh nghiệp. Yếu tố cơ sở để tính lương mang tính phổ biến hiện nay là lấy một mức lương xấp xỉ mức lương tối thiểu do nhà nước quy định (cao hơn một chút) gọi là lương cơ bản, sau đó cộng thêm một loạt các số đằng sau. Các "con số cộng thêm" này là do doanh nghiệp quy định nên số lượng các con số và giá trị tuyệt đối của các con số là khác nhau giữa các doanh nghiệp và các loại công việc Lương cơ bản này thường được các doanh nghiệp lấy làm căn cứ để đóng bảo hiểm xã hội.
  • Nhóm thứ ba là công nhân làm trong các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa nhưng nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối. Đối với nhóm này thì về lý thuyết nguồn trả lương cũng từ doanh nghiệp tương tự như doanh nghiệp tư nhân, nhưng lại khác căn bản ở cách tính. Cách tính áp dụng cho loại hình này về cơ bản vẫn mang dáng dấp của cách tính lương thời kế hoạch hóa. Trong nhóm này lại chia thành hai phân nhóm gồm: nhóm doanh nghiệp nhỏ được chủ động trong việc tính lương, còn nhóm doanh nghiệp lớn thì các quyết định lớn về tiền lương vẫn phải có sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước.
  • Nhóm thứ tư là nhóm các đối tượng trong xã hội đang hưởng những chế độ có tính chất giống tiền lương từ ngân sách nhà nước. Đây là nhóm có số lượng rất lớn, lên đến hàng chục triệu, bao gồm người hưởng lương hưu và các đối tượng hưởng các chế độ trợ cấp khác nhau của nhà nước bằng tiền mặt có tính thường xuyên. Mức hưởng của các đối tượng này trực tiếp hay gián tiếp đều "bám" vào lương tối thiểu, lấy lương tối thiểu làm căn cứ để xác định mức hưởng hoặc để điều chỉnh chế độ. Theo thống kê của Vụ Lao động - Tiền lương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì hiện có ít nhất là 20 chế độ có mức hưởng đang gắn vào lương tối thiểu.
  • Nhóm thứ năm là người lao động làm thuê trong khu vực phi chính thức.(Khu vực này trước kia hay được gọi là nhóm "phi kết cấu". Tôi cũng không hiểu tại sao lại gọi như vậy). Đối với nhóm này thì khái niệm nên dùng là tiền công thì thích hợp hơn là tiền lương. Nhóm này có thể gọi là nhóm "thị trường" nhất và mức tiền công được xác định một cách tự do nhất. Nguồn chi trả thì tất nhiên là từ người thuê lao động rồi, còn cách tính lương thì vô cùng đa dạng. Chính cách tính tiền công một cách linh hoạt, tự do, đa dạng của nhóm này đã hình thành nên mức mà người ta thường gọi là "mức tiền công trung bình của thị trường".
  • Nhóm thứ sáu là những người lao động làm thuê có tay nghề cao hoặc ở vị trí tiền lương cao đến mức gần như thoát ly khỏi mức tiền lương trung bình của xã hội. Nguồn trả lương cho nhóm này tất nhiên là từ chủ sử dụng lao động, bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, dự án,...Cách tính lương cho nhóm này phần lớn là do chủ thuê lao động quyết định theo những chính sách riêng của họ. Nhóm này có thể ví như những người sống ở trên những tầng cao nhất của những building nên họ chịu tác động rất ít của những lao xao dưới mặt đất.
Sau khi chia thành sáu nhóm như trên, bây giờ ta mới lần theo từng vấn đề và từng câu hỏi được đặt ra trong xã hội nói chung và trong các bài báo tôi có đề cập đến trong bài Giới thiệu chuyên mục "Lương và Lương tối thiểu" vừa rồi và tự đặt năm câu hỏi sau:
  • Câu hỏi thứ nhất: khi nói tiền lương (hay thu nhập) cao hay thấp thì người nói đang đề cập đến nhóm nào vậy, hay là toàn bộ tất cả các nhóm?
  • Từ câu hỏi thứ nhất đó mới sang câu hỏi thứ hai là: nếu tiền lương (hay thu nhập) ở nhóm đó thấp thì điều chỉnh bằng cách nào? Ai có quyền và có trách nhiệm điều chỉnh và khả năng điều chỉnh đến đâu?
  • Tiếp đến sẽ là câu hỏi thứ ba là nếu xác định được trách nhiệm là doanh nghiệp thì bằng cách nào để doanh nghiệp trả lương cao hơn hay hợp lý hơn. Liệu nhà nước bằng biện pháp hành chính có giải quyết được vấn đề đó trong kinh tế thị trường không hay phải bằng cách nào?
  • Câu hỏi thứ tư cũng tương tự như câu hỏi thứ ba là nếu xác định được thẩm quyền và trách nhiệm là của nhà nước thì nhà nước có khả năng thực hiện không? Nếu được thì thực hiện như thế nào, nếu "mắc" thì mắc vì luật, vì cơ chế hay vì nguồn chi?
  • Câu hỏi thứ năm: giả sử nhà nước dùng các công cụ về hành chính để điều chỉnh mức lương, chẳng hạn như điều chỉnh lương tối thiểu thì sẽ điều chỉnh ở một nhóm, hai nhóm hay toàn bộ các nhóm có liên quan tới lương tối thiểu. Nếu có tác động dây chuyền thì hiệu ứng kinh tế và hiệu ứng xã hội sẽ như thế nào?
Tôi thấy hiện nay có khá nhiều ý kiến nói về tiền lương và nói chung đều với tâm trạng "bức xúc" cả. Người hưởng lương, mà nhất là những người hưởng lương thấp thì bức xúc vì cuộc sống của họ khó khăn. Người nghiên cứu khoa học thì bức xúc thấy những kết quả "đầu ra" của mình (tức là những con số) được nghiên cứu có vẻ là rất công phu nhưng lại không được chấp nhận. Rồi những người đang có trách nhiệm quản lý ngân sách của đất nước này lại phải lên tiếng là nếu đưa tiền lương lên mức cao quá thì sẽ nguy cho ngân sách nhà nước,..và còn rất nhiều những tiếng nói khác nữa mà chắc là các bạn và tôi đều đã được nghe năm này qua năm khác.

Tôi nghĩ là chúng ta phải bình tĩnh ngồi với nhau để phân tích mổ xẻ vấn đề mà việc phân tích theo "Bản đồ tiền lương" nói trên là một đề xuất. Sự phân tích mổ xẻ sẽ đưa ta đến những vấn đề hết sức cụ thể như: nhà nước cần phải và có thể can thiệp vào chỗ nào và không thể can thiệp vào chỗ nào; nếu điều chỉnh, can thiệp thì bằng công cụ nào, can thiệp "cứng" hay can thiệp "mềm"; nếu can thiệp "cứng" thì bằng thiết chế gì, công cụ gì, nếu can thiệp "mềm" thì bằng thiết chế gì, công cụ gì; còn nếu trách nhiệm hay quyền của doanh nghiệp thì khi cần thiết nhà nước và người lao động có thể tác động vào quyết định của doanh nghiệp như thế nào, bằng cơ chế và thiết chế nào,...

Tôi là kẻ "ngoại đạo", không phải chuyên gia về tiền lương nên không dám "kêu" gì cả, mà chỉ xin phép các chuyên gia tiền lương cho phép góp đôi lời gọi là "ý kiến người dân" vào vấn đề trọng đại này ở những bài tiếp theo.

 
Nguyễn Mạnh Cường
cuong.qhld@gmail.com
------------------------
@ copyright 2011
Mọi sự trích dẫn hoặc đăng tải lại đề nghị ghi rõ nguồn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét