Thứ Hai, 17 tháng 10, 2011

Lương tối thiểu: những quy định "hoàn hảo" và những tiếng "kêu"

Việc "đa dạng hóa" chức năng của lương tối thiểu, bao gồm: (i) làm căn cứ để xác định tiền lương cho khu vực công, (ii) làm căn cứ để tính tiền công cho khu vực doanh nghiệp (tư nhân VN, FDI và nhà nước) và (iii) làm căn cứ để điều chỉnh mức chi bảo hiểm xã hội và các chế độ rợ cấp, phúc lợi xã hội khác đã làm nảy sinh những điều bất hợp lý.

Lương tối thiểu: một quy định "hoàn hảo"

Điều 56 của Bộ luật Lao động quy định một cách rất bài bản: "Mức lương tối thiểu được ấn định theo giá sinh hoạt, bảo đảm cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường bù đắp sức lao động giản đơn và một phần tích lũy tái sản xuất sức lao động mở rộng...".

Quy định trên của luật được cơ quan quản lý nhà nước về tiền lương  diễn giải lại một cách cũng rất bài bản: "Lương tối thiểu là mức trả để đảm bảo nhu cầu tối thiểu của người lao động cộng với nhu cầu nuôi con tối thiểu" và được diễn giải tiếp như sau: "Nhu cầu tối thiểu của người lao động bao gồm nhu cầu tối thiểu về lương thực thực phẩm được quy ra là 2300 kcalo/ngày, cộng với nhu cầu tối thiểu về phi lương thực thực phẩm và cộng với nhu cầu tối thiểu cho một người con, tương đương với 70% chi phí về nhu cầu tối thiểu của người lao động" (Trình bày của Vụ Lao động - Tiền lương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Hội thảo về chính sách tiền lương ngày 26/9/2011 tại Hà Nội)

Về mặt chính thức thì mức lương tối thiểu được quy định bởi luật và được diễn giải bởi cơ quan quản lý nhà nước như trên. Tiếp theo, cơ quan quản lý nhà nước đưa ra bốn căn cứ để xác định mức lương tối thiểu gồm: (1) giá sinh hoạt/CPI, (2) mức tăng GDP, (3) mức tiền công trên thị trường, (4) điều kiện kinh tế xã hội và (5) các căn cứ khác (mọi ngườ hết sức chú ý vào cái từ "khác" này nhé. Đây là từ quan trọng nhất trong toàn bộ phương pháp xác đinh mức lương tối thiểu đấy).

Các bạn có thể thấy là nếu như câu chuyện chỉ dừng lại ở phần diễn giải về lương tối thiểu là gì và cách tính nó như thế nào như trình bày ở trên thì có thể thấy dường như vấn đề lương tối thiểu của Việt Nam luôn được giải quyết ổn thỏa. Thậm chí người nào hào phóng hơn trong việc dùng từ ngữ thì có thể dùng từ "hoàn hảo" để đánh giá về lương tối thiểu của Việt Nam vì với một nền kinh tế đang phát triển, tỷ lệ nghèo và cận nghèo còn cao như Việt Nam mà lương tối thiểu đặt ra ở mức là không những đảm bảo nhu cầu tối thiểu lương thực thực phẩm, mà còn cộng với cả nhu cầu phi lương thực thực phẩm cho người lao động, rồi cộng cả nhu cầu tối thiểu để nuôi một người con nữa thì quả là mức...hoàn hảo.

"Hoàn hảo" như vậy mà sao lại lắm người "kêu"?

Vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ, như đã phân tích ở những bài trước, lương tối thiểu không phải chỉ áp dụng cho khu vực doanh nghiệp mà còn áp dụng cả vào khu vực công và còn làm căn cứ để xác định mức chi trả lương hưu và khoảng hơn 20 chế độ trợ cấp xã hội khác. Đối với khu vực công, lương tối thiểu dù tính như thế nào thì cuối cùng quỹ lương dành để chi trả lương cho công chức viên chức không thể vượt được ngưỡng cho phép của ngân sách nhà nước. Đối với quỹ hưu trí, lương tối thiểu dù tính ra bao nhiêu, nhưng nếu chiếu vào mà làm ảnh hưởng tới sự an toàn của quỹ bảo hiểu xã hội thì không thể được. Đối với quỹ dành chi trả cho các đối tượng chính sách xã hội, dù lương tối thiểu tính được ra là bao nhiêu thì khi "áp" vào để tính trợ cấp và phúc lợi xã hội, tổng các khoản chi cũng phải nằm trong ngưỡng cho phép của ngân sách nhà nước.

Thế nên mới có chuyện là mặc dù cách tính tiền lương tối thiểu nghe có vẻ rất "hoàn hảo", nhưng mọi lý thuyết hoàn hảo, mọi cách tính hoàn hảo và mọi con số hoàn hảo được tính ra cuối cùng đều bị "phạt ngang" một cách thẳng thừng bởi một từ "Ngân sách nhà nước".

Cũng chính vì thế nên mới có chuyện là ta luôn nghe thấy nhiều tiếng "kêu" xung quanh câu chuyện lương tối thiểu. Người kêu đầu tiên là những nhà khoa học. Họ cứ căn cứ đúng như quy định của luật, đúng như diễn giải của cơ quan quản lý nhà nước về lương tối thiểu như ở phần trên, sau đó vận dụng những kiến thức cơ bản về lương tối thiểu đã học được ở trong sách giáo khoa, rồi lại triển khai rầm rộ trên diện rộng các điều tra, khảo sát, phỏng vấn, rồi xử lý kết quả bằng các phần mềm hiện đại như SPSS hay STATA...và tính toán ra được một con số được coi là hoàn hảo. Thế rồi, sau khi họ say sưa thuyết trình về con số đó, một con dao phay mang tên "Ngân sách nhà nước" phạt ngang một cái để ra một con số..."lạ". Thế thì họ kêu là phải. Tôi thông cảm lắm với các nhà nghiên cứu. Cũng như một anh thợ mộc dồn tâm huyết vào để đóng một chiếc bàn thật đẹp, cuối cùng người ta bảo chỉ cần một chiếc ghế và cưa béng bốn cái chân bàn mà anh thợ mộc đã dày công mài bóng đi vì đơn giản là chỗ đó chỉ kê vừa một chiếc ghế! Chúng ta nên trân trọng những tiếng "kêu" đầy tâm huyết này.

Người kêu thứ hai là người có trách nhiệm về ngân sách nhà nước. An toàn ngân sách nhà nước gắn liền với an ninh tài chính quốc gia, mà an ninh tài chính quốc gia gắn liền với sự an nguy của toàn bộ nền kinh tế. Các cuộc khủng hoảng nợ công đang diễn ra trên khắp thế giới là một minh chứng cụ thể cho vấn đề này. Thế nên những người có trách nhiệm về ngân sách sẽ "kêu" ngay (thậm chí kêu to) nếu mức lương tối thiểu đưa ra làm ảnh hưởng đến sự an toàn của ngân sách nhà nước. Chúng ta cũng phải thông cảm với tiếng "kêu" đầy trách nhiệm này.

Người kêu thứ ba tất nhiên là những nhóm chịu tác động cuối cùng, đó là những người lao động tại doanh nghiệp nhà nước cũng như doanh nghiệp tư nhân, những công chức và viên chức ở đủ mọi lĩnh vực, các bác về hưu, các đối tượng đang hưởng các chế độ trợ cấp và phúc lợi xã hội. Tuy tất cả những đối tượng này đều "kêu" nhưng những tiếng kêu lại to - nhỏ khác nhau và ở các cung bậc khác nhau. (Sự khác nhau này cũng là một chủ đề thú vị chúng ta sẽ bàn tiếp ở bài sau). Chúng ta cũng chia sẻ với mọi người những tiếng "kêu" rất đời thường này.

Đôi điều bình luận
  • Lời bình thứ nhất: nếu lương tối thiểu tiếp tục được sử dụng hay vận dụng một cách "đa chức năng" như hiện nay thì có lẽ mức lương tối thiểu phải định nghĩa lại. Nếu cách tính là như hiện nay thì có lẽ chỉ nên định nghĩa LTT một cách ngắn gọn, đó là "mức mà nếu áp vào tất cả các mức lương và các chế độ chi trả từ ngân sách phải đảm bảo để ngân sách nhà nước có đủ tiền chi trả". Đơn giản thế thôi. Còn nếu quy định một cách bài bản, hoàn hảo như hiện nay trong luật thì nghiễm nhiên là luật đã luôn luôn bị vi phạm rồi!
  • Lời bình thứ hai: nếu quy định như trên thì từ nay trở đi, không cần tính toán mức lương tối thiểu căn cứ vào 4 yếu tố như diễn giải của cơ quan quản lý nhà nước về tiền lương như nêu ở phần trên nữa, mà có lẽ chỉ cần căn cứ vào chữ "khác", nghĩa là ngân sách nhà nước. Nếu vậy thì từ nay giao luôn cho cơ quan chịu trách nhiệm về ngân sách nhà nước nhiệm vụ xác định mức lương tối thiểu, còn cơ quan quản lý nhà nước và các nhà khoa học về tiền lương thì không làm nhiệm vụ nghiên cứu xác định mức lương tối thiểu nữa. (Như vậy là tiết kiệm được một tiếng "kêu" rồi).
  • Lời bình thứ ba: còn nếu vẫn giữ nguyên quy định như hiện nay trong luật thì phải "trả lại tên cho em", nghĩa là phải tách lương tối thiểu ra khỏi khu vực công, ra khỏi chính sách chi trả bảo hiểm xã hội và ra khỏi sự phụ thuộc của mức trợ cấp và phúc lợi xã hội. Lúc đó lương tối thiểu chỉ còn là lương tối thiểu, chứ không phải là "đơn vị tính" như một thứ bản vị như hiện nay.. Và kih đó sẽ tạo điều kiện cho mọi người, từ cơ quan quản lý nhà nước cho tới doanh nghiệp, các chủ thể sử dung lao động thực hiện nghiêm quy định của luật pháp về lương tối thiểu.
  • Lời bình cuối cùng: người ta vẫn bảo là "Hạnh phúc khi được là chính mình". Tôi xin mượn ý này để nói rằng nàng "Lương tối thiểu" và chàng "Tiền lương" chắc hẳn sẽ khỏe mạnh, tươi tắn hơn nếu được "trả lại tên cho em". Còn nếu cứ phải sống cái cảnh "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" như hiện nay thì cả nàng "Lương tối thiểu" và chàng "Tiền lương" đều cảm thấy khó ở lắm!!!

Nguyễn Mạnh Cường
cuong.qhld@gmail.com
------------------------
@ copyright 2011
Mọi sự trích dẫn hoặc đăng tải lại đề nghị ghi rõ nguồn

2 nhận xét:

  1. bài viết về cơ bản rất đúng và trúng, nhưng nếu ở thời điểm cách đây 01 năm thì phù hợp hơn. Ngoài ra, nếu nhìn lại quá khứ thì ta thấy rằng quy định của Luật và việc thực hiện là phù hợp, đúng định hướng Kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa. Còn nếu xét chỉ vế đầu thì đúng là cần điều chỉnh cho phù hợp (như hiện nay đang tiến hành).

    Xin thưa, bài viết chủ yếu chỉ ra điểm chưa hợp lý trong chính sách về TLmin thời gian qua, nhưng theo tôi, nhìn nhận một cách khách quan thì chính sách TLmin của ta đúng là chưa hoàn toàn đúng lý thuyết của chữ X (cung cầu lao động và giá cả sức lao động có sự can thiệp của Nhà nước) nhưng điểm hợp lý có lẽ nhiều hơn.

    Vấn đề này tôi nghĩ cần bàn sâu hơn về giai đoạn, thời điểm cụ thể mới có thể đưa ra nhận xét chính xác và kiến nghị phù hợp được.

    Xin cảm ơn!

    Trả lờiXóa