Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2011

Nhóm doanh nghiệp nhà nước và "nguyên" nhà nước: nơi các cơ chế được "trộn lẫn"

Nhóm cuối cùng tôi đề cập đến là công nhân làm trong các doanh nghiệp nhà nước đã chuyển đổi hình thức sở hữu (nói gọn lại là đã cổ phần hóa) và các doanh nghiệp 100% vồn nhà nước (tôi gọi là nhóm thứ ba). Thực ra, xét về cơ chế trả lương, có thể xếp cả lao động làm trong các cơ quan sự nghiệp có thu và/hoặc tự chủ một phần hoặc toàn bộ tài chính vào nhóm này.

Có thể nói tiền lương và thu nhập của lao động ở khu vực này là tương đối "ung dung" bởi đây là nơi các cơ chế khác nhau hội tụ, đan xen, trộn lẫn nhau.

Có những phần, doanh nghiệp (hay tổ chức sự nghiệp) hoạt động theo nguyên tắc thị trường. Ở phần đó, ta có thể thấy tiền lương hầu như là được xác định theo cơ chế thị trường, trong đó có phần "cứng" được tính toán theo thang bảng lương của nhà nước để chủ yếu lấy làm cơ sở đóng bào hiểm xã hội và các mục đích mang tính nguyên tắc khác, còn lại là "phần mềm" thì dưới danh nghĩa "tự chủ" thì chỉ có trời biết! Ở phần này, doanh nghiệp và người lao động tỏ ra có vẻ "ung dung", ít nhất là ung dung hơn so với nhiều doanh nghiệp tư nhân. Theo đánh giá thì phần tiền lương "cứng" chiếm khoảng từ 30-50% lương thực lĩnh.

Thế mới có chuyện thật như đùa là khi nhà nước điều chỉnh lương tối thiểu tăng, trong khi công nhân ở các doanh nghiệp tư nhân tỏ ra phấn khởi thì các đồng nghiệp của họ ở một số doanh nghiệp thuộc nhóm này lại kém vui. Vì sao? Vì tổng tiền lương của họ sẽ không đổi, nhưng vì lương tối thiểu tăng, nên "phần cứng" trong cơ cấu tiền lương tăng, dẫn đến khoản đóng bảo hiểm xã hội (và các khoản khác) tăng lên theo và như vậy sẽ làm cho cái "phần mềm" giảm đi và dẫn đến tổng tiền lương họ thực lĩnh giảm đi.

Đối với các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thì ngoài quản lý về thang bảng lương, còn có một số quy định khác nữa liên quan tới tài chính của doanh nghiệp như quỹ lương, thuế, thu ngân sách, rồi cả việc khống chế giá trần đối với một số sản phẩm và dịch vụ nữa (ví dụ như giá xăng, điện,..).

Cái sự "trộn lẫn" này còn thể hiện ở cơ chế xác định tiền lương khá rắc rối đối với các đối tượng đặc biệt như Tổng giám đốc, Hội đồng quản trị. Theo số liệu tính toán cho năm 2008-2009 cho thấy tính riêng đối với 36 tổng công ty hạng đặc biệt, tổng công ty được vận dụng hạng đặc biệt và công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế thì tiền lương bình quân của người lao động năm 2008 là 5,56 triệu đồng/tháng, năm 2009 khoảng 5,9 triệu đồng/tháng; còn tiền lương bình quân của thành viên chuyên trách Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc là gần 21 triệu năm 2008 và 24 triệu năm 2009.

Ngoài ra, cơ chế thưởng và các chế độ khác được thực hiện trong doanh nghiệp cũng là một "mê hồn trận". Chính sự "trộn lẫn" trong cơ chế "vừa buông, vừa quản" trong thời kỳ quá dộ này mới có những chuyện lùm xùm như cái vụ Petrolimex vừa qua.

Tóm lại, nếu ai quan tâm tới cái sự "thấp" của tiền lương thì có lẽ lao động ở nhóm này (chí ít là phần lớn) không phải là đối tượng ưu tiên cần quan tâm. Mọi thứ đều trong tay nhà nước cả. Nếu thấy "ung dung" rồi thì cứ vô tư đi. Còn nếu đùng một cái mà có cái gì khó khăn thì lại có nhà nước chìa tay hỗ trợ.

Bởi vậy, trên bản đồ tiền lương, nếu chỉ quan tâm tới thu nhập thì có lẽ đây là nhóm "ung dung" nhất và cũng ít chuyện phải bàn nhất, nếu như không muốn nói đến những thứ bất hợp lý nằm bên trong cái mớ cơ chế "trôn lẫn" này.

Nguyễn Mạnh Cường
------------------------
@ copyright 2011
Mọi sự trích dẫn hoặc đăng tải lại đề nghị ghi rõ nguồn

2 nhận xét:

  1. Em đồng ý với quan điểm của thầy. Bản thân em cũng đang làm trong một doanh nghiệp có cách trả lương tương tự như thầy nói. Khi Nhà nước tăng lương tối thiểu thì phần "lương cứng" của người lao động tăng 30%, nhưng phần "lương mềm" lại giảm từ 60% xuống 30%"lương cứng". Mà phần "lương cứng" tăng nhưng cũng chỉ là tăng về đóng bảo hiểm thôi, chứ mức lương họ tính "lương cứng" thực tế lại không theo mức lương tính bảo hiểm.

    Trả lờiXóa
  2. lương nhà nước thì vậy nhưng toàn lậu là nhiều
    du hoc nhat ban. co nen di xuat khau lao dong

    Trả lờiXóa