Thứ Hai, 23 tháng 7, 2012

Liệu có phải doanh nghiệp không vi phạm pháp luật thì đình công không xảy ra?


Vấn đề: Có người cho rằng nếu doanh nghiệp không vi phạm pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho người lao động đúng theo pháp luật quy định, thì đình công sẽ không xảy ra. Liệu có đúng là như vậy?

Bình luận:

Về nguyên tắc thì đình công là một hành động phản kháng hay gây sức ép mang tính tập thể của người lao động đối với người sử dụng lao động nên nó phải xuất phát từ tranh chấp lao động tập thể, nghĩa là nếu không có tranh chấp lao động tập thể thì không thể có đình công. Xin nhấn mạnh là "tranh chấp lao động tập thể" chứ không thể chỉ là "tranh chấp lao động" chung chung, vì tranh chấp lao động cá nhân có thể diễn ra thường xuyên, nhưng không hoặc khó biến thành hành động đình công.

Cần nói rõ là cá biệt có trường hợp xung đột cá nhân, dẫn đến sự giận dữ của những người công nhân khác và cũng dẫn đến đình công thì trường hợp này lại phải diễn giải theo cách khác.

Còn trường hợp cá nhân mà là cán bộ công đoàn, bị chủ phân biệt đối xử thì trường hợp đó phải được diễn giải là đã động chạm đến quyền lợi của tập thể người lao động rồi. Cá nhân cán bộ công đoàn lúc đó đã là đại diện của tập thể, nên cũng chuyển thành tranh chấp tập thể.

Trở lại với nguyên nhân đình công thì khi phân tích mối quan hệ "nhân - quả" của đình công thì "nhân" ở đây là tranh chấp lao động tập thể, bởi vậy, vấn đề lại chuyển sang việc diễn giải thế nào là "tranh chấp lao động tập thể".

Tranh chấp lao động tập thể lại chia thành tranh chấp lao động về quyền và tranh chấp lao động về lợi ích.

Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích là loại tranh chấp phát sinh trong quá trình thương lượng giữa tập thể người lao động (phần lớn là giữa đại diện của họ) và người sử dụng lao động. Trong quá trình thương lượng này, tập thể người lao động thường đưa ra một hoặc một vài đòi hỏi đề nghị người sử dụng lao động dành cho người lao động một mức lợi ích nào đó cao hơn mức mà họ đang hưởng. Người sử dụng lao động có thể không đồng ý với yêu cầu đó của tập thể người lao động, thế là phát sinh tranh chấp lao động tập thể về lợi ích. Và, tranh chấp lao động tập thể về lợi ích này có thể dẫn tới đình công.

Xét trong toàn bộ quá trình phát sinh tranh chấp lao động về lợi ích này thì không thấy bóng dáng của việc doanh nghiệp vi phạm luật pháp ở đâu cả, nhưng đình công vẫn có thể xảy ra.

Kết luận: Khi doanh nghiệp không vi phạm luật pháp, vẫn đảm bảo quyền lợi của người lao động theo đúng những quy định của pháp luật thì đình công vẫn có thể xảy ra. Không có cơ sở để nói nếu doanh nghiệp không vi phạm luật pháp thì sẽ không có đình công.

Nguyễn Mạnh Cường
cuong.qhld@gmail.com
------------------------
@ copyright 2012
Mọi sự trích dẫn hoặc đăng tải lại đề nghị ghi rõ nguồn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét