Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015

Độ rộng, độ sâu và độ chặt của một FTA

Độ này thấy dân chúng nói nhiều về các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhưng mình muốn các bạn lưu ý là không phải cứ là hiệp định thương mại tự do thì là như nhau. Các FTA tuy giống nhau về tên gọi nhưng lại có thể rất khác nhau về nội dung. Cũng giống như ngoài đường có hai chiếc xe ô tô chạy, một cái là Kia Morning và một cái là Roll Roys Phantom thì người ta vẫn gọi cả hai là ô tô, nhưng cái này có giá trị bằng mấy chục cái kia.

Do các FTA khác nhau nên mức độ tác động của các FTA lên kinh tế của một quốc gia là khác nhau. Một quốc gia có thể tham gia đến hơn chục FTA rồi nhưng có thể vẫn không thấy “xin-nhê” gì, nhưng ngược lại chỉ cần tham gia một FTA “khủng” thôi thì những tác động có thể sẽ cảm thấy rõ rệt.
Vậy cái gì làm nên sự khác biệt giữa các FTA khác nhau? Theo tôi, để đánh giá một FTA cần nhìn vào 3 yếu tố sau:

Thứ nhất là “độ rộng” của FTA.

Ở đây tôi không nói đến độ bao phủ về mặt địa lý, nghĩa là nó bao gồm bao nhiêu quốc gia, bao nhiêu dân số, rồi GDP của khối chiếm bao nhiêu phần trăm GDP thế giới,..vì theo tôi một FTA dù có “lớn” về diện tích địa lý mà nội dung không thực chất thì độ lớn đó cũng chỉ nói cho nó “oai” thôi chứ không có giá trị lắm về mặt thương mại.

Độ bao phủ tôi nói tới ở đây là các lĩnh vực mà một FTA bao phủ. Nếu như những thế hệ FTA đầu tiên người ta chỉ chú trọng đến thương mại hàng hóa, rồi thương mại dịch vụ, đầu tư, rồi mở rộng ra sở hữu trí tuệ thì ngày nay FTA thế hệ mới đã mở rộng ra các lĩnh vực được coi là phi truyền thống như lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, minh bạch và chống tham nhũng,..

Đặc biệt là nếu chỉ tính riêng nội dung “truyền thống” là mở cửa thị trường thôi thì cũng thấy có sự khác nhau lớn giữa các FTA. Có một số FTA mà các nước thành viên loại trừ mở cửa thị trường hoặc chỉ mở cửa “lấy lệ” đối với những ngành kinh tế mà nước đó cho là nhạy cảm đối với quốc gia đó. Ví dụ như có những nước bao nhiêu năm nay hội nhập quốc tế nhưng chưa hề mở cửa thị trường lúa gạo, hay có những nước bảo hộ, hạn chế mở cửa ngành công nghiệp ô tô chẳng hạn. Trong khi có những FTA có độ bao phủ hầu như toàn bộ các ngành cùa nền kinh tế.

Thứ hai là “độ sâu” của FTA

“Độ sâu” ở đây là tôi nói tới mức độ cam kết mở cửa thị trường. Có những FTA chỉ mở cửa “có chừng có mực”, có những FTA mở cửa thị trường đến mức là thuế nhập khẩu về 0% hết. Có những FTA có lộ trình giảm thuế khá dài, kéo dài tới cả chục năm, nhưng có những FTA mà phần lớn thuế nhập khẩu về 0% tức thì ngay khi FTA có hiệu lực đối với đại đa số sản phẩm.

Thứ ba là “độ chặt” của FTA.

Cái này là cái mà người ta hay bỏ qua khi so sánh nhất FTA, đó là khả năng thực thi (enforceable). Có những FTA mà cơ chế thực thi rất lỏng lẻo, dẫn đến kết quả là nếu một quốc gia không thực thi cam kết thì…cũng chằng sao, hoặc “nhắc nhở” qua loa cho xong. Có những FTA thì cơ chế thực thi cực kỳ chặt chẽ,  với cơ chế giải quyết tranh chấp ngặt nghèo khiến cho một nước khó trốn được trách nhiệm thực thi cam kết.

Nếu để ý thì thấy nếu những FTA nào mà mang nặng tính “ngoại giao” hảo hảo, lấy đồng thuận là chính thì  thì cả 3 tiêu chí là độ rộng, độ sâu và độ chặt đều ở mức lỏng lẻo. Đối với những FTA loại này, dù một quốc gia có thể tham gia vào hàng chục FTA thì những FTA này cũng ít có tác động đến nền kinh tế của quốc gia đó. Thậm chí khéo người dân và doanh nghiệp cũng không hề biết là nước mình đang tham gia vào một FTA.

Còn những FTA nào lấy nguyên tắc sòng phẳng của thị trường và mở rộng tự do thương mại làm nguyên tắc chính thì cả 3 yếu tố đều ở mức cao. Đối với FTA này, mức độ tác động đến nền kinh tế của một quốc gia là đáng kể, thậm chí có thể ở mức rất đáng kể.

Thế đấy, nên nhớ các FTA là khác nhau, và bởi vậy tác động của nó đối với một nền kinh tế là khác nhau.

Mạnh Cường