Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

Thế tiến thoái lưỡng nan của quan hệ lao động tại Việt Nam


Vừa rồi, trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Bộ luật Lao động, phần liên quan tới giải quyết tranh chấp lao động tập thể và đình công, tôi đã tưởng tượng ra một kịch bản giả định như sau:
  • Thực hiện chính sách luân chuyển cán bộ, điều các nhà làm luật về lao động tới địa phương để phụ trách vấn đề quan hệ lao động và cho đi giải quyết một vụ đình công xem thế nào, xem họ có thể làm cho đình công xảy ra cũng như giải quyết nó theo đúng trình tự thủ tục mà luật quy định không 
  • Tương tự, điều chuyển những người vốn từ trước tới nay chuyên phụ trách lĩnh vực quan hệ lao động và giải quyết đình công ở địa phương ra Hà Nội làm công tác soạn thảo luật để xem họ sẽ viết phần về quan hệ lao động và giải quyết đình công như thế nào, xem họ có viết được luật theo trình tự mà họ vẫn thường làm trong thực tế không.
Và tôi cũng mường tượng ra kết quả là như thế này:
  • Những người "thực tiễn" sẽ lại viết luật đúng như bây giờ, bởi họ không thể viết khác đi được (nghĩa là sẽ lại viết ra một trình tự thủ tục mà sẽ không có một cuộc đình công nào đi theo).
  • Còn những người "luật học" thì cũng sẽ giải quyết đình công đúng như những gì đang diễn ra trong thực tiễn hiện nay (nghĩa là không theo luật) bởi họ cũng không thể làm khác đi được.
Tại sao tôi lại mường tượng ra kết quả như vậy?
  • Bởi vì khi đã ngồi vào ghế làm luật thì không ai dám đưa ra một quy trình đình công là hễ cứ thấy bức xúc là đình công liền, không cần có thương lượng, không cần báo trước, không cần đăng ký người (hay tổ chức) chịu trách nhiệm đứng ra tổ chức cuộc đình công. Còn nếu ai mà làm luật như vậy thì chắc người ta sẽ bảo vị chuyên gia luật học đó là “i-tờ” về luật và “tịt” về quan hệ lao động vì về lý thuyết quan hệ lao động, đình công luôn được xác định là vũ khí cuối cùng chứ không ai lại thiết kế luật để đình công được sử dụng như một vũ khí đầu tiên trong tranh chấp lao động cả. Trên thế giới, từ luật của những nước phát triển như các nước Âu – Mỹ đến những nước mới có luật như Căm pu chia thì những quy định về đình công cũng na ná như vậy cả, nghĩa là phải qua các bước thương lượng, hòa giải đã, trước khi có thể đình công.
  • Còn đối với những người đang phải xử lý các cuộc đình công trong thực tế thì lại phải hiểu nỗi khổ của họ, là mặc dù luật quy định trình tự thủ tục là như thế và họ cũng hiểu là phải như thế (tức là phải qua các bước thương lượng, hòa giải,…) thế nhưng liệu họ có thể làm gì khi đứng trước một biển người đang sôi sùng sục ngoài việc cố gắng “hạ nhiệt” và cố gắng để đám đông người lao động kia trở lại làm việc? Và với mục đích như vậy thì các tác nghiệp của họ đã không như được “vẽ” ra trong luật nữa. Ấy vậy nên phải hiểu cái lý của mỗi người. Khi người ta đã ngồi vào cái ghế như vậy thì họ sẽ hành động như vậy và hầu như không thể khác được, trừ khi có một tác động rất mạnh làm thay đổi hành vi của những người trong cuộc.
Cái thể tiến thoái lưỡng nan này là câu đố lớn nhất đối với quan hệ lao động tại Việt Nam. Câu đố này mà chưa giải được thì khó có thể nói những thay đổi lớn hơn, rộng hơn, sâu hơn về quan hệ lao động tại Việt Nam, ít nhất là trong một vài năm tới.

Nguyễn Mạnh Cường
cuong.qhld@gmail.com
------------------------
@ copyright 2013
Mọi sự trích dẫn hoặc đăng tải lại đề nghị ghi rõ nguồn

1 nhận xét:

  1. Ngồi hóng + chờ đợi tác động làm ảnh hưởng tới hành vi của các chủ thể liên quan!

    Trả lờiXóa