Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012

Tại sao công nhân đình công - một cách nhìn khác


Nếu đọc tất cả các loại báo cáo về đình công, được phát ra từ các cơ quan, tổ chức khác nhau, tôi xin cá với các bạn là các bạn sẽ thu được kết quả giống nhau, đó là đình công được xác định gồm 3 nguyên nhân chính: thứ nhất là do tiền lương thấp, thứ hai là do người sử dụng lao động vi phạm luật pháp và thứ ba là do ý thức người lao động kém (nên hơi tí là đình công, mà toàn đình công tự phát).

Tôi thì tôi chưa bao giờ tin một cách hoàn toàn vào cái kết luận này cả. 

Nếu xác định nguyên nhân đình công là như vậy thì làm thế nào ta có thể giải thích được là năm 2009, số các cuộc đình công giảm một cách đột biến ở Việt Nam, từ 762 cuộc năm 2008 xuống còn có 218 cuộc năm 2009, nghĩa là giảm hơn 70%?

Chẳng nhẽ là do năm 2009, tiền lương của các doanh nghiệp đột ngột tăng?

Hay chẳng nhẽ là do năm 2009, ý thức chấp hành luật pháp của người sử dụng lao động đột ngột tăng?

Hay là do năm 2009 ý thức của người lao động đột ngột tốt hơn hẳn năm 2008?

Tất cả những cái đó không phải. Mà nếu không phải thì 3 nguyên nhân xác định một cách như là mặc định kia là không chính xác.


Về thực chất, cần phải hiểu là Khi người lao động quyết định đi đình công thì đầu tiên họ Kỳ vọng vào một kết quả nào đó mà hành động đình công có thể mang lại. Khi các báo cáo nói rằng trên 90% nguyên nhân các cuộc đình công là do lương thấp thì phải hiểu là THẤP so với một mức KỲ VỌNG nào đó. Nghĩa là những người đình công nghĩ rằng họ sẽ đòi người sử dụng lao động trả cho họ mức cao hơn cái mức mà họ đang hưởng và tin rằng người sử dụng lao động CÓ KHẢ NĂNG TRẢ ĐƯỢC nếu cứ gây sức ép. Như vậy là nếu người lao động biết mười mươi là chủ sử dụng lao động đang gặp khó khăn, thậm chí đang thua lỗ thì dù lương họ rất thấp thì họ cũng chưa chắc đã đình công.

Phải nhìn vấn đề như vậy thì mới có thể giải thích được là năm 2009, khi cả thế giới lâm vào khủng hoảng thì người lao động có thể kỳ vọng gì ở người sử dụng lao động nữa mà đình công, mặc dù lương của họ năm đó có thể là rất thấp.

Từ việc phân tích về kỳ vọng, ta có thể có cách nhìn khác về việc tại sao đình công lại xảy ra nhiều hơn ở các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp FDI. Điều đó không thể diễn giải là do lương ở doanh nghiệp FDI cùng ngành nghề là thấp hơn doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam đâu.

Hôm nay tôi chỉ đề cập đến một nguyên nhân đầu tiên là vấn đề KỲ VỌNG thôi. Còn có nhiều nguyên nhân Cần và Đủ khác để dẫn đến một cuộc đình công (hay chính xác hơn là một cuộc đình công tự phát) thì tôi sẽ đề cập đến sau.

Tôi chỉ muốn nhắc lại là nếu xác định nguyên nhân đình công là ba cái thứ mang tính "mặc định" như thường nói trong các báo cáo thì khó có thể giải quyết được vấn đề đinh công lắm.

Nguyễn Mạnh Cường
cuong.qhld@gmail.com
------------------------
@ copyright 2012
Mọi sự trích dẫn hoặc đăng tải lại đề nghị ghi rõ nguồn

1 nhận xét: