Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Để hạn chế đình công bất hợp pháp

Ngày 25/9/2011, báo điện tử "Đại biểu nhân dân" có đăng bài phân tích về những quy định của pháp luật liên quan tới đình công và giải quyết đình công. Đọc bài này tôi hiểu là tác giả bài báo đã tham dự cuộc hội thảo do Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức đại Đồ Sơn trong hai ngày 9 và 10 tháng 9 vừa rồi. Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã thảo luận về các nội dung khác nhau của dự thảo Bộ luật Lao động, trong đó quan hệ lao động là nội dung thu hút sự chú ý của mọi người nhiều nhất
Tại cuộc hội thảo này, tôi có một bài tham luận về quan hệ lao động. Tôi đã trình bày quan điểm của tôi là toàn bộ các quy định của pháp luật hiện nay về các quá trình tương tác trong quan hệ lao động, bao gồm: đối thoại, thương lượng, thỏa ước, đình công, giải quyết đình công, trung gian hòa giải, trọng tài và tòa án đều dựa trên giả định là đã có tổ chức công đoàn đại diện thực sự cho tập thể người lao động để đứng ra làm một chủ thể trong các quá trình trên. Thế cho nên khi chủ thể này không tồn tại hoặc có nhưng chỉ có trên danh nghĩa chứ không thực hiện đủ và đúng chức năng của chủ thể như nó cần phải có thì toàn bộ các quá trình trên sẽ không thể thực hiện được như luật quy định. Vậy thì vấn đề mấu chốt cuối cùng vẫn phải giải quyết là vấn đề chủ thể đại diện cho tập thể người lao động. Tôi cũng đề xuất việc thành lập cơ quan trung gian hòa giải để giải quyết các tranh chấp này và lấy đây là thiết chế chính để hỗ trợ đối thoại, thương lượng và can thiệpkhi xảy ra tranh chấp lao động và đình công (cũng theo cách tiếp cận là hỗ trợ chứ không phải là ra lệnh, áp đặt)

Xin giới thiệu nguyên văn bài viết trên báo điện tử "Đại biểu nhân dân" ngày 25/9/2011 để các bạn tham khảo:

Để hạn chế đình công bất hợp pháp
  
Thời gian gần đây, tình hình đình công ở các doanh nghiệp có xu hướng gia tăng về số lượng và diễn biến phức tạp. Theo các chuyên gia, nguyên chính của tình trạng này là sự bất cập của chính sách, chế độ tiền lương đối với người lao động, việc chấp hành pháp luật lao động chưa nghiêm, một số quy định về tranh chấp lao động chưa phù hợp.

Nguyên nhân do đâu?

Khi có mâu thuẫn xảy ra giữa người lao động và người sử dụng lao động thì không có, hoặc có tổ chức công đoàn nhưng tổ chức này chưa thực sự thể hiện vai trò là đại diện của người lao động đứng ra thương lượng hoà giải. Theo báo cáo tổng kết thi hành Bộ luật Lao động, tại các tỉnh, thành phố lớn thì tỷ lệ doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở trên tổng số doanh nghiệp chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn: TP Hồ Chí Minh là 50%;  Bà Rịa - Vũng Tàu là 30%; Vĩnh Phúc là 12,7% và Hà Nội là 12%... Thực tế, có đến 80% doanh nghiệp dân doanh và 60% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa thành lập được công đoàn cơ sở. Như vậy, phần lớn doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn, còn những doanh nghiệp đã có tổ chức công đoàn nhưng vai trò của tổ chức này còn mờ nhạt, hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Khi có tranh chấp xảy ra, do không có chủ thể đứng ra lãnh đạo tiến hành hoà giải thương lượng nên nhìn chung có mâu thuẫn là xảy ra đình công, không theo quy định của pháp luật. Theo Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đặng Đức San thì lý do của đình công phần lớn do vấn đề tiền lương.

Trên thực tế, một mặt nhiều cơ sở không có tổ chức công đoàn thì không thành lập được Hội đồng hoà giải cơ sở. Mặt khác, nơi có tổ chức công đoàn, trừ một số ít nơi thành lập Hội đồng hoà giải lao động cơ sở và hoạt động tương đối có hiệu quả, còn lại nhiều nơi, cán bộ công đoàn không chuyên trách, không nắm vững pháp luật công đoàn, không nắm vững các quy định của pháp luật lao động, thiếu kỹ năng đối thoại nên đã không thực hiện được chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và tập thể lao động, không có vai trò tích cực trong Hội đồng hoà giải lao động cơ sở, có tranh chấp thì không giải quyết bằng con đường hoà giải, do đó người lao động vẫn cứ đình công một cách tự phát. Do đó, theo một số chuyên gia thì nên bỏ quy định về Hội đồng hoà giải lao động cơ sở. Đây cũng là điểm mới của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Những nơi chưa có tổ chức công đoàn nếu phát sinh tranh chấp cá nhân thì phải do Hoà giải viên lao động cấp huyện giải quyết. Các cuộc tranh chấp tập thể về quyền hay về lợi ích đều sẽ do hoà giải viên lao động cấp huyện giải quyết. Trong trường hợp tranh chấp lao động về lợi ích (người lao động tranh chấp yêu cầu chủ yếu là tăng lương hoặc giảm giờ làm) thì Hội đồng trọng tài lao động tiến hành hoà giải. Trường hợp hai bên đồng ý với phương án của Hội đồng trọng tài thì Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hoà giải thành có chữ ký của hai bên tranh chấp, của Chủ tịch và thư ký Hội đồng trọng tài lao động. Hai bên có nghĩa vụ chấp hành các thoả thuận ghi trong biên bản hoà giải thành. Trường hợp một trong hai bên không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ biên bản hoà giải thành của Hội đồng trọng tài thì mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu toà án nhân dân ra lệnh cưỡng chế thi hành. Trường hợp Hội đồng trọng tài lao động hoà giải không thành thì tập thể lao động có quyền tiến hành các thủ tục để đình công. Và lúc này, việc tiến hành đình công được coi là hợp pháp.

Để hạn chế đình công bất hợp pháp

Các chuyên gia cho rằng, đa số người lao động và chủ sử dụng lao động chưa nhận thức đầy đủ về trình tự giải quyết tranh chấp lao động nên thường trực tiếp đến khiếu nại tới cơ quan nhà nước thay vì chọn con đường hoà giải. Vì  vậy, vai trò của trọng tài hoà giải tranh chấp lao động là hết sức cần thiết. Trước khi cần đến sự vào cuộc của trọng tài hoà giải, khuyến khích các bên tranh chấp tích cực thực hiện quyền tiếp tục thương lượng trong quá trình đình công đã xảy ra, cơ quan lao động và công đoàn cấp tỉnh tiếp tục tìm cách trợ giúp, tư vấn cho các bên đưa ra phương án giải quyết phù hợp có như vậy mới chấm dứt được đình công. Đối với tranh chấp tập thể về quyền, tức là tranh chấp trong những trường hợp người sử dụng lao động không thực hiện những nghĩa vụ pháp định đối với tập thể lao động thì phải sử dụng những quy định hiện hành của pháp luật lao động để giải quyết. Tập thể lao động phải đấu tranh bằng các phương thức khiếu nại, hoặc khiếu kiện theo quy định của pháp luật. Tập thể lao động không được sử dụng phương thức đình công để tự giải quyết và đình công như vậy sẽ bị coi là bất hợp pháp. Khi có tranh chấp tập thể về quyền, hai bên không tự giải quyết được thì yêu cầu cơ quan có thẩm quyền (hoà giải viên cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện hoặc toà án) giải quyết, yêu cầu người sử dụng lao động phải thực hiện đúng quy định của pháp luật lao động. 

Trong điều 245 của Dự thảo Bộ luật Lao động có bổ sung quy định về thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp tỉnh trong việc giải quyết các cuộc đình công vi phạm trình tự, thủ tục. Theo đó, với các cuộc đình công không theo trình tự, thủ tục luật định, chủ tịch UBND cấp tỉnh ra quyết định tuyên bố cuộc đình công vi phạm trình tự, thủ tục pháp luật quy định, đồng thời giao cho cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức có thẩm quyền giải quyết. Trong vòng 1 ngày từ khi chủ tịch UBND tỉnh quyết định tuyên bố cuộc đình công vi phạm trình tự, thủ tục thì cơ quan quản lý nhà nước về lao động phối hợp với công đoàn cùng cấp và các quan tổ chức có liên quan phải trực tiếp gặp gỡ người sử dụng lao động và đại diện tập thể lao động hỗ trợ, tìm các biện pháp giải quyết những bất đồng giữa các bên, đưa hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại hoạt động bình thường.

Có thể khẳng định là mâu thuẫn giữa người lao động và người sử dụng lao động là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, để giải quyết mâu thuẫn này đòi hỏi cần phải có một tổ chức đứng ra đại diện cho người lao động để thương lượng, hoà giải. Đây được coi là vấn đề mấu chốt. Khi thương lượng không đạt được thì các bước tiến hành tiếp theo phải được tiến hành theo đúng trình tự như luật định. Theo Giám đốc Trung tâm hỗ trợ và Phát triển quan hệ lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Mạnh Cường thì cần phải xây dựng thiết chế hỗ trợ về trung gian hoà giải ở cấp tỉnh, huyện thành cơ chế thường trực về quan hệ lao động để hỗ trợ và trung gian cho hai bên trong quá trình đối thoại, thương lượng, ký thoả ước, giải quyết tranh chấp và đình công.
Hà An
Các bạn có thể xem trực tiếp bài này tại:
http://www.daibieunhandan.vn/ONA_BDT/NewsPrint.aspx?newsId=224455

NMC

1 nhận xét:

  1. Với giả định chi rằng có công đoàn thì đình công sẽ giảm thì các kiến nghị đưa ra là ok. Tuy nhiên, thực tế nhiều doanh nghiệp có công đoàn, có hội đồng hòa giải cơ sở thì đình công vẫn xảy ra thì liệu giả định trên có còn đúng không?
    Theo em, đình công bất hợp pháp tăng là do pháp luật về đình công không thực tế với vai trò của công đoàn hiện nay không đủ tầm lãnh dạo như pháp luật giả định khi xây dựng luật trong khi đình công là một hiện tượng tất yếu khi xã hội công nghiệp ngày một phát triển.

    Võ Thị Minh Hiếu

    Trả lờiXóa