Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

Giới thiệu Nghị định 70/2011/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng từ ngày 1/10/2011


Việc điều chỉnh mức lương tối thiểu luôn có những tác động trực tiếp đến tình hình quan hệ lao động. Xin trích đăng nội dung chính của Nghị định này và có một vài bình luận nho nhỏ (nho nhỏ thôi vì không dám bình luận văn bản nhà nước)
 
Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng
Nghị định này quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động, gồm:

1. Doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam).

2. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động.

3. Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này).

Các công ty, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức và cá nhân quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này gọi chung là doanh nghiệp.

Điều 2. Mức lương tối thiểu vùng

Quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng từ ngày 01 tháng 10 năm 2011 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2012 như sau:

1. Mức 2.000.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.

2. Mức 1.780.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.

3. Mức 1.550.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.

4. Mức 1.400.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên các địa bàn thuộc vùng IV.

Địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 3. Áp dụng mức lương tối thiểu vùng

1. Mức lương tối thiểu vùng quy định tại Điều 2 Nghị định này là mức lương thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận tiền lương trả cho người lao động.

2. Mức tiền lương thấp nhất trả cho người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng quy định tại Điều 2 Nghị định này.

(Bình luận cá nhân: đây thực chất cũng là mức lương tối thiểu. Nói tóm lại là Nghị định này không phải quy định 4 mức lương tối thiểu cho 4 vùng, mà là 8 mức lương tối thiểu cho 4 vùng, trong đó mỗi vùng có 2 mức, một để áp dụng cho lao động chưa qua học nghề (rất ít) và một để áp dụng cho lao động đã qua học nghề (đa số) vì nếu hiểu qua học nghề là tính cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề thì có nghĩa là qua thời gian thử việc, hầu như ai cũng sẽ phải có một tay nghề nhất định để hành nghề chứ. Không có tý tay nghề nào thì làm việc thế nào được. Bởi vậy, thực ra cái mức cộng thêm 7% này mới là mức được áp dụng rộng rãi)

3. Mức lương tối thiểu vùng quy định tại Điều 2 Nghị định này được dùng làm căn cứ để xây dựng các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, tính các mức lương ghi trong hợp đồng lao động và thực hiện các chế độ khác do doanh nghiệp xây dựng và ban hành theo thẩm quyền do pháp luật lao động quy định.

4. Căn cứ mức lương tối thiểu vùng quy định tại Điều 2 Nghị định này, doanh nghiệp điều chỉnh lại các mức lương trong thang lương, bảng lương do doanh nghiệp xây dựng và ban hành, tiền lương trong hợp đồng lao động cho phù hợp với các thỏa thuận và quy định của pháp luật lao động.

5. Khuyến khích các doanh nghiệp trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng quy định tại Điều 2 Nghị định này.

(Bình luận cá nhân: không biết có cần thiết đưa vào trong Nghị định điều khoản khuyến khích này không nhỉ? Tôi thấy ngày xưa Cụ Hồ chỉ quy định trong Sắc lệnh số 29 do Cụ ký năm 1947 thế này: "Bất luận trường hợp nào cũng không được trả lương công nhân ít hơn lương tối thiểu này")

Điều 4. Tổ chức thực hiện (…)

Điều 5. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 10 năm 2011

(Bình luận cá nhân: có chủ doanh nghiệp hỏi tôi là Điều 2 của Nghị định này quy định các mức lương tối thiểu này được áp dụng từ ngày 1/10/2011, nhưng hiệu lực của Nghị định thì lại từ 5/10/2011 thì có nghĩa là như thế nào? Tôi chịu thua không trả lời được)
2. (…).

3. Khuyến khích doanh nghiệp tổ chức ăn giữa ca cho người lao động. Mức tiền ăn giữa ca do doanh nghiệp, Ban Chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban Chấp hành công đoàn lâm thời và người lao động thỏa thuận, để bảo đảm chất lượng bữa ăn giữa ca cho người lao động.

(Bình luận cá nhân: điều khoản này thì đích thực là khuyến khích rồi chứ không bắt buộc được và nếu mức ăn giữa ca là kết quả của việc thỏa thuận như nêu trong điều này thì hay quá. Có lẽ Thỏa ước lao động tập thể hãy cứ đi từ những điều nhỏ như thế này nhưng rất cụ thể, thiết thực)
 
4. (…).

Nín thở chờ mấy ngày nữa xem tác động đến quan hệ lao động như thế nào. Tôi thì nghĩ trước mắt người lao động sẽ thấy vui hơn. Còn tiếp theo thì...bàn sau vì thấy có một số việc chắc cũng sẽ chịu tác động từ sự điều chỉnh này. 
Cầu mong mọi việc tốt lành.

NMC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét