Thứ Năm, 2 tháng 8, 2012

VỤ 512 LAO ĐỘNG TẠI CÔNG TY DONG-A VINA (BÌNH DƯƠNG) NGỪNG VIỆC PHẢN ĐỐI CTY SA THẢI CÁN BỘ CÔNG ĐOÀN


Lời bình: Đây được coi là một trong những hành động tập thể (collective action) kinh điển trong quan hệ lao động. Tuy nhiên, ở Việt Nam, cho đến nay thì thường coi tranh chấp lao động tập thể là những tranh chấp chủ y
ếu liên quan tới lương bổng và điều kiện lao động của TẬP THỂ người lao động chứ ít khi nói tới tranh chấp liên quan tới công đoàn. Trong khi đó, ở các nước có quan hệ lao động phát triển thì tranh chấp lao động tập thể có liên quan tói cán bộ công đoàn lại chiếm tỷ lệ lớn. Lưu ý là khi tranh chấp liên quan tới cán bộ công đoàn (sa thải hoặc đối xử bất công vì lý do hoạt động công đoàn) thì đó KHÔNG PHẢI là tranh chấp lao động cá nhân nữa mà là tranh chấp lao động TẬP THỂ, vì khi chủ sử dụng lao động đối xử bất công với chủ tịch hay BCH công đoàn thì tức là đối xử bất công với tập thể người lao động mà những người này đại diện rồi. Các bạn nên theo dõi vụ này đê hiểu rõ hơn về một dạng tranh chấp lao động tập thể

(Câu chuyện lấy từ báo Lao động ngày 1/8/2012)

Mạnh Cường IR
-------------------------------------------------------------

“Cơ chế” bảo vệ cán bộ hữu hiệu

Ngày 31.7, tập thể NLĐ Cty TNHH Dong-A Vina (100% vốn nước ngoài, sử dụng 530 CN chuyên in lụa, vải, đồ da ở đường số 1, KCN Bình Đường, Dĩ An, Bình Dương) đã cử người đến Báo Lao Động kêu cứu về việc Cty sa thải trái pháp luật cán bộ CĐ, sau đó chấm dứt HĐLĐ với hàng trăm CN.

Theo phản ánh của NLĐ, tại Đại hội CĐ Cty TNHH Dong-A Vina vừa qua, tập thể đoàn viên đã tín nhiệm bầu BCH CĐCS mới, trong đó có anh Trần Văn Sỹ (một tổ trưởng sản xuất quê Nghệ An, đã làm việc 10 năm tại Cty). Sau đó anh Sỹ có xin nghỉ phép và khi trở lại Cty làm việc thì bị trễ một số ngày, trong đó gồm cả 2 ngày không có lý do. Căn cứ vào đó, những người làm công tác nhân sự của Cty đã lập thủ tục sa thải anh Sỹ để... “làm gương”!

Trước việc làm vô lý của nhóm nhân viên nhân sự, tập thể 512 NLĐ của Cty TNHH Dong-A Vina (trừ bộ phận văn phòng, tạp vụ, tài xế) đã nhất loạt ngừng việc vào ngày 12.7 để phản đối, đưa ra yêu sách: Buộc Cty huỷ bỏ quyết định sa thải cán bộ CĐCS Trần Văn Sỹ; thay vào đó phải sa thải toàn bộ nhóm nhân viên nhân sự... Do mới đây NLĐ Cty này từng ngừng việc đòi tăng lương và Cty đã phải tăng 300.000 đồng/người/tháng, nên đến khi xảy ra vụ tranh chấp này, đôi bên đều kiên quyết không nhượng bộ, vì thế vụ ngừng việc kéo dài đến nay (31.7) vẫn chưa ngã ngũ.

Trước đó, ngày nào CĐ các KCN Bình Dương và Ban quản lý các KCN Bình Dương cũng cử cán bộ xuống hoà giải. Vào những ngày 23.7 và 24.7, các cơ quan chức năng đã mời đại diện NLĐ gồm BCH CĐCS và các tổ trưởng, chuyền trưởng (khoảng 30 người) dự họp với Ban Giám đốc Cty để thống nhất cách giải quyết.

Theo đó, hầu hết kiến nghị của NLĐ đều đã được đại diện Cty chấp thuận, duy chỉ có 2 nội dung không chấp thuận là: Sa thải bộ phận nhân sự và trả 70% tiền lương những ngày ngừng việc. Riêng đối với anh Sỹ, do đã có đơn khiếu nại việc Cty áp dụng sai Bộ luật Lao động về xử lý kỷ luật (thuộc tranh chấp cá nhân), nên các ngành chức năng thống nhất là ngay sau khi NLĐ quay trở lại làm việc sẽ tiến hành xem xét lại toàn bộ quy trình Cty xử lý kỷ luật anh Sỹ. Đại diện Cty cũng cam kết sẽ phục hồi toàn bộ quyền lợi cho anh Sỹ nếu Cty vi phạm pháp luật.
Kết thúc cuộc họp, đại diện BCH CĐCS đã cam kết sẽ vận động NLĐ trở lại làm việc vào sáng 25.7. Tuy nhiên, sáng 25.7 hàng trăm NLĐ đến trước cổng Cty nhưng vẫn không vào làm việc, mà họ muốn phải giải quyết đúng nguyện vọng là rút lại quyết định kỷ luật anh Sỹ, sa thải bộ phận nhân sự, và trả 70% lương những ngày ngừng việc thì họ mới trở lại làm việc. Phía Cty Dong-A Vina lập tức tuyên bố sẽ sa thải toàn bộ 512 NLĐ với lý do “nghỉ việc quá 5 ngày không có lý do chính đáng”(?!).

Trước tình hình trên, các cơ quan chức năng lập tức can thiệp vì vụ ngừng việc này có lý do và pháp luật lao động đã nghiêm cấm NSDLĐ sa thải NLĐ vì lý do đình công (ngừng việc). Cuối cùng, do không vận động được NLĐ trở lại làm việc, nên Ban giám đốc Cty buộc phải chuyển đơn hàng cho DN khác gia công, và yêu cầu CN làm đơn xin thôi việc để chi trả các chế độ.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, Chủ tịch CĐ các KCN tỉnh Bình Dương Trương Thị Bích Hạnh cho biết: “Tính đến 31.7, có hơn 100 NLĐ đã ký thoả thuận chấm dứt HĐLĐ với Cty. Hiện CĐ các KCN Bình Dương đang giám sát việc thực hiện của Cty Dong - A để hướng dẫn NLĐ khiếu nại hoặc khởi kiện (nếu có)”. Các chuyên gia pháp luật ở Bình Dương khẳng định: “Vụ việc tranh chấp này đã cho thấy một trong những “cơ chế” bảo vệ cán bộ CĐ rất kiên quyết và hữu hiệu”.

Dương Minh Đức
(Báo Lao động)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét