Thứ Tư, 16 tháng 7, 2014

Chủ thể trong quan hệ lao động

Chủ thể của quan hệ lao động cá nhân và quan hệ lao động tập thể

Bất cứ mối quan hệ nào cũng phải có chủ thể. Nói cách khác, không thể tồn tại một mối quan hệ nào đó mà không có chủ thể. Bởi vậy, bất cử ở đâu và bất cứ khi nào xuất hiện quan hệ lao động thì ở đó và khi đó hiển nhiên xuất hiện chủ thể của mối quan hệ lao động đó. Vấn đề đặt ra là làm thế nào xác định hay nhận biết được đâu là chủ thể thực sự và đâu là chủ thể chỉ mang tính hình thức.

Trước hết, nói về lý thuyết thì quan hệ lao động là quan hệ giữa giữa một bên là người lao động và một bên là người sử dụng lao động và đây hiển nhiên là hai chủ thể của quan hệ lao động. Tuy nhiên, khi quan hệ lao động cá nhân phát triển lên thành quan hệ lao động tập thể thì việc hình thành chủ thể cũng như xác định chủ thể trở nên phức tạp hơn.

Trong quan hệ lao động tập thể tại một doanh nghiệp, chủ thể của mối quan hệ này cũng bao gồm hai bên, bao gồm: một bên là doanh nghiệp, hay gọi cách khác là người sử dụng lao động hay người thuê lao động (employer) và một bên là đại diện cho tập thể người lao động làm thuê cho chủ sử dụng lao động đó. Chú ý là trong trường hợp những người lao động làm thuê trong một doanh nghiệp không liên kết lại với nhau, không bầu, không cử hay không ủy quyền cho ai đứng ra đại diện để tương tác với chủ sử dụng lao động thì khi đó không xuất hiện quan hệ lao động tập thể mà chỉ có một tập hợp của các quan hệ lao động cá nhân. Trong trường hợp này thì tuy doanh nghiệp thuê nhiều lao động nhưng chủ thể vẫn là các chủ thể của nhiều mối quan hệ lao động cá nhân chứ chưa xuất hiện chủ thể của quan hệ lao động tập thể.